25 C
Ho Chi Minh City
Wednesday, December 4, 2024
spot_img
HomeGóc NhìnGóc nhìn Bill BaloHoa nơi chiến trường !??

Hoa nơi chiến trường !??

Càng về gần đến 30/4, những hình ảnh chia sẻ về chiến tranh trên các trang mạng xã hội càng nhiều. Sáng nay ngủ dậy thấy mọi người chia sẻ về triển lãm tranh: Hoa nơi chiến trường. Một concept hay, nhưng cách thể hiện có gì đó chưa đã lắm (là đã tế nhị, nói giảm, nói tránh lắm rồi). Đồng ý là ai cũng muốn biến vũ khí, súng đạn thành hoa, để xoa dịu bớt đi những đau khổ mà nhân dân Việt Nam đã tranh qua trong các cuộc kháng chiến. Nhưng liệu bức ảnh này, thêm hoa vào thì có khập khiễng lắm không?

hoa nơi chiến trườngTriễn lãm tranh: Hoa nơi chiến trường

Tạm gác qua triển lãm tranh Hoa nơi chiến trường. Bản thân tôi cảm thấy nó có gì không đúng thôi. Tôi muốn kể cho các bạn nghe về những bông hoa nơi chiến trường, theo một cách khác.

Nhắc đến chiến tranh, chúng tôi – những thanh niên ở thế hệ 9X chẳng hiểu gì cả. Ý tôi muốn nói là sự thấu hiểu. Những bức hình như trên, những gì học được trong sách giáo khoa lịch sử chỉ đơn giản là lịch sử được ghi chép và tường thuật lại, chúng tôi có thể kể vanh vách các sự kiện, diễn biến từng trận đánh, nhưng những gì sâu thẳm trong từng sự kiện, từng trận đánh đó thì không, cái không đó, gọi là không cảm!

Đối với chúng tôi, chiến tranh là:

– Hai màu đen trắng, cái thời chiến tranh ấy mà, trời chẳng xanh, cây chẳng xanh như bây giờ đâu. Xem TV mà cứ thấy đen trắng là thời chiến tranh đấy, còn mà có màu là sang hoà bình rồi.  Con nít ngây thơ nên nghĩ thế.

– Sự tàn bạo – như bức hình trên vậy. Cho dù có thêm vào ảnh một đống hoa đi chăng nữa, thì chẳng bao giờ xoa dịu được nỗi đau của sự tàn nhẫn này. Bản thân tôi không chê, nhưng tôi thấy nó không phù hợp. Có lẽ vì người làm lại bức tranh, họ chỉ muốn làm cho bức hình có hoa thôi, còn cảm thì không.

– Viết tới đây, hỏi mấy thằng đệ, hỏi nó nghĩ tới chiến tranh mày nghĩ tới điều gì? Thằng đầu tiên nó bảo: em đi trốn trước. Thằng còn lại tử tế hơn tí, nó còn nghĩ đến người lính.

Thế nhưng, chiến tranh không phải lúc nào cũng tàn bạo!

Vào những ngày tháng tư lịch sử này, tôi có dịp tham gia một hành trình rất ý nghĩa, tái hiện lại chiến dịch Hồ Chí Minh  thần tốc bằng tâm thế của một người trẻ: “Theo bước cha ông” trong chuỗi chương trình lớn: “Việt Nam là tôi“. Đến với quân đoàn 3 đóng ở Gia Lai, nhìn những bức ảnh trong nhà truyền thống, thấy mặt ai cũng vui tươi, hào hứng, chụp giữa chiến trường mà như trong đại hội thể dục thể thao. Tôi buột miệng hỏi bác nhân chứng, người có mặt trong thời điểm ấy vào 40 năm về trước, sao thấy ai cũng vui vẻ lạc quan vậy?

Bác bảo: lúc bấy giờ lạc quan là chiếc gậy chống lưng cho một người lính.

Ra chiến trận, với một bức ảnh của người thân hay ảnh chụp với đồng đội là cả một gia tài, lúc nào cũng mang theo bên mình như nguồn động viên, mang lại niềm lạc quan trong mỗi trận đánh, vậy nên mới có nhật kí Đặng Thuỳ Trâm và tôi nghĩ cũng còn nhiều cuốn nhật ký khác mãi mãi đã nằm sâu dưới lòng đất. Những người lính, họ chiến đấu giống như lời của ca khúc Hát mãi khúc quân hành: dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng. Nhưng họ ôm cây súng cũng có vẻ hiền lành và thật thà, họ chiến đấu bằng sự thông minh, nụ cười, và niềm tin vào chiến thắng của dân tộc. Những người lính chẳng phải đã là những nụ hoa nơi chiến trường sao.

Quay lại với cuộc sống hiện tại, vẫn đúng, cuộc sống thường ngày vẫn cần có sự lạc quan. Vì sao ngày xưa cha ông ta đứng trước ranh giới mỏng manh của sự sinh tử mà vẫn lạc quan thế, còn bây giờ chúng ta thì không? Tôi thấy bây giờ mọi người có vẻ đối mặt với những khó khăn của bản thân một cách tiêu cực, chán nản. Tại sao lại thế nhỉ, khó khăn thử thách là luôn luôn hiện hữu, quan trọng là chúng ta có đủ lạc quan để bước qua những khó khăn của mình hay không thôi.

Đọc thơ Phạm Tiến Duật như một liều thuốc bổ

Bác còn bảo tôi rằng, ngày xưa các bác chỉ nghe theo mệnh lệnh của chỉ huy là lên đường thôi. Có những cuộc hành quân gian khổ, thậm chí hành quân trong đêm tối, mà phải băng rừng vượt suốt, đốt cả dây của dép cao su để mà đi. Đọc thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật như một liều thuốc bổ giúp anh em lên tinh thần, có sức khoẻ và niềm tin để mà đánh tiếp. Bài thơ về tiểu đội xe không kính; Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây… có lẽ đã thấm nhuần vào máu của mỗi người chiến sĩ lúc bấy giờ, vì sao ư, vì trong bài thơ, họ là nhân vật chính. Và những bài thơ, câu hát này cũng chẳng phải cũng là hoa nơi chiến trường sao.

Anh đi trong rừng, lá vỗ trên cao,
Gió bốn bề cây; cây ngả nghiêng chào,
Lay bóng đậm gió thổi vào đốm nắng.
Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay;

Da bàn tay thường chạm với da cây,
Khuôn mặt người chạm vào mặt lá.
Rừng ơi rừng, ta bỗng gần gũi quá!
Không có những ngày này, hồ dễ đã quen nhau.

Trính: “Đi Trong Rừng” của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Tôi lại chỉ vào hình ảnh của những tù binh trên bức tường, bảo bác sao mình không xích họ, như họ xích mình. Mà canh một đoàn dài tù binh chỉ là vài ba anh lính. Bác bảo, lúc đó người ta cũng muốn hàng, muốn nghỉ đánh lắm rồi. Tôi chợt nhận ra chiến tranh không phải lúc nào cũng tàn nhẫn như người ta thường kể. Bác nói tiếp, có lúc mình truy kích, quân đội Việt Nam cộng hoà còn mang theo cả gia đình từ Tây Nguyên chạy về đồng bằng. Gặp người nhà của kẻ thù bị thương, bộ đội mình vẫn giúp đỡ bình thường các cháu ạ. Cùng là dân tộc, họ cần mình giúp thì mình vẫn giúp.

Hình như cũng chính vì những điều đó, mà có những trận đánh, súng đạn dường như trở nên vô nghĩa. Chiến tranh không phải lúc nào cũng tàn bạo. Triển lãm tranh: Hoa nơi chiến trường cũng giúp các bạn một phần để hiểu điều đó, nhưng cách thể hiện có của nó có phần không ổn. Cuộc sống cũng vậy, khi các bạn bế tắc, hãy suy nghĩ lạc quan; khi các bạn ghét ai đó, hãy thật tâm giúp đỡ người đó xem kết quả ra sao?

Gửi các bạn một bức ảnh, mà không cần thêm hoa, người ta vẫn thấy đó là những bông hoa nơi chiến trường đẹp nhất, tuyệt vời nhất.

chien tranh

Bức ảnh được lấy từ Facebook của bác Luân – bác nhân chứng kể cho tôi nghe những mẩu truyện nhỏ ở trên.

Bill Balo
Bill Balohttps://billbalo.com
Mình là Bill, mọi người gọi mình là Bill Balo vì mình thích đi du lịch, và cụ thể hoá những chuyến đi du lịch thành các bài viết chia sẻ trải nghiệm trên trang blog này. Mình sống và làm việc ở Saigon, hân hạnh làm quen với tất cả mọi người.

2 COMMENTS

  1. Bài viết rất hay. Xin được cộp và chia sẻ lại trên blog của em :v

    PS: Chương trình “Theo bước cha ông” đến đâu rồi ạ?

  2. @Trần Lê Hoàng: Okie bạn, bạn có thể chia sẻ lại link ở đây để mọi người cùng xem nhé. Đoàn hiện tại đang ở Tam Phước, Đồng Nai bạn à.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

- Bill Balo's Partner -spot_img
- Bill Balo's Partner -spot_img
- Bill Balo's Partner -spot_img
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments