Chúng tôi, những con người đại diện cho 3 miền của Tổ quốc, hợp thành 1 đội. Chúng tôi, với những cá tính và màu sắc khác nhau cùng lên đường, tìm tới 1 điểm đến đầy tự hào và hạnh phúc – Hà Giang. Chúng tôi là GIÓ, chúng tôi đi muôn nơi, để trải nghiệm, để khám phá, để thoả mãn tuổi thanh xuân căng tràn như những ngọn gió, không bao giờ biết dừng lại…
Xem bài viết Full Hình Ảnh tại: http://herewego.kenh14.vn/bai-review-54451.htm
Đọc thêm:
- Xém bị bắt cóc ở biên giới và hành trình vượt Mã Pí Lèng huyền thoại
- Hành trình biên giới Việt – Trung ở Lũng Cú, Hà Giang
- Chia tay bạn đồng hành ở Hà Giang, viết câu chuyện Hành trình đơn độc
- Chinh phục điểm cực Bắc và cuộc gặp gỡ tình cờ, không nỡ dứt…
Hà Giang, đó là nơi mà cơn gió chúng tôi mong muốn được tìm về. Một điểm đến nằm ở cực Bắc của Việt Nam. Cách thủ đô Hà Nội chỉ 300km, chúng tôi lên chiếc xe khách vào lúc 2h chiều và có mặt tại thành phố Hà Giang khi mà bầu trời vừa chập tối. 6h đồng hồ di chuyển bằng xe khách, cảm giác lần đầu tiên khi bước xuống bến xe thành phố Hà Giang là một mùi tinh khiết của đất trời. Không khí ở đây thoáng đãng, mát mẻ, và tràn đầy sức sống. Hành trình của Gió khám phá Hà Giang đã thật sự bắt đầu.
Bon bon trên chiếc xe máy dọc theo Quốc lộ 4C, cung đường khám phá Hà Giang trên những con đường đèo quanh co thật là huyền diệu. Đi bằng xe máy có thể không tránh được những cơn mưa bất chợt trong cái thời tiết chuyển mùa của vùng núi Đông Bắc, nhưng có nhằm nhò gì. Chúng tôi muốn tận hưởng Hà Giang bằng đôi mắt kỳ diệu của mình.
Xem Clip: Hà Giang – hành trình của GIÓ (Bài dự thi Here We Go 2018)
Hà Giang – Vùng đất của hạnh phúc!
Người ta thường nói, hạnh phúc là ở trên đường đi, chứ không phải là ở điểm đến. Nếu thế thì những cơn Gió của chúng tôi, sẽ chẳng bao giờ được dừng lại. Hà Giang, chẳng bao giờ có điểm dừng của hạnh phúc, vì cảnh vật mà Gió đi qua, thật chẳng còn mỹ từ nào có thể diễn tả được. Những cơn gió thổi qua từng thửa ruộng bậc thang, đi ngang qua dòng suối, len lỏi vào tận những cánh rừng, rồi hoà mình vào giai điệu của đất trời. Chuyển thể thành niềm hạnh phúc đang ánh lên trên những gương mặt mà chúng tôi đi ngang qua. Dù cuộc sống có khó khăn, những nếp nhăn có nhiều hơn người thành phố, nhưng đôi mắt của những con người vùng cao thật đẹp, thật cuốn hút, làm những cơn Gió chúng tôi xao xuyến không ngừng.
Gió thương bọn trẻ vùng cao, mặt mũi lúc nào cũng tèm lem, áo quần không bao giờ được sạch sẽ, nhưng bọn trẻ vẫn đi học, vẫn chăn trâu, vẫn nở nụ cười hồn nhiên và hạnh phúc trong cuộc sống của núi rừng. Bọn trẻ không bao giờ biết đòi hỏi và cũng không có cơ hội để đòi hỏi những thứ đầy đủ hơn, vì đơn giản là ở vùng núi thế này, hạnh phúc không được đo lường bằng vật chất.
Ở Hà Giang có một con đường mà người khách du lịch nào cũng đi qua, đó là Con Đường Hạnh Phúc – được mở theo tuyến đường từ Hà Giang, qua cao nguyên đá Đồng Văn, vượt đỉnh Mã Pí Lèng huyền thoại rồi tiến về Mèo Vạc, chính là tuyến đường mà Gió đang thổi qua – con đường nối dài những ước mơ tuổi trẻ được khám phá và chinh phục vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ Quốc.
Xem Clip: Hà Giang – hành trình của GIÓ (Bài dự thi Here We Go 2018)
Cuộc sống của những con người trên cao nguyên đá
Gió lại thổi, chúng tôi khó khăn vượt qua những con đường đèo uốn lượn, vậy mà trên những triền dốc của một vùng cao nguyên toàn đá, lại là sức sống đầy mãnh liệt của loài Ngô. Người dân vùng cao ở Hà Giang xây nhà trên những triền núi, canh tác cũng trên những dốc đá cheo leo. Ngô và Lúa là hai loại lương thực phổ biến được trồng rộng rãi ở đây.
Chúng tôi tới Hà Giang vào những ngày đầu tháng 9, lúa thì chuẩn bị chín vàng, ngô thì đang trong mùa thu hoạch. Vậy nên sắc vàng trở nên nổi bật trên những cung đường mà Gió thổi qua. Thị trấn Phố Bảng mùa này chưa có hoa mận, hoa đào, nhưng trước nhà của những người dân Phố Bảng lại là một màu vàng ươm sung túc của Ngô. Ngô treo trên những cây xà chắn ngang nhà, ngô phơi dưới đất, ngô trong những gùi to… báo hiệu một mùa màng bội thu, ấm no cho dân bản.
Lúa ngả vàng trên những cánh đồng, dù chưa đều tăm tắp một màu vàng nhưng có nơi thì người dân vùng cao cũng đã bước vào thu hoạch. Gió lại thổi vào hồ Nậm Đăm ở huyện Quản Bạ, len lỏi vào con đường đất ngoằn nghèo dẫn về thôn Trúc Sơn, ngắm tầm mắt bao quanh thì bất giác bị đơ người bởi những thửa ruộng bậc thang nơi xanh, nơi vàng cực kỳ ấn tượng.
Không chỉ có ngô và lúa, người phụ nữ H’mong ở Hà Giang còn phát triển nghề dệt vải lanh truyền thống, phát triển thành làng nghề truyền thống ở thôn Lùng Tám, huyện Quản Bạ. Người H’mong quan niệm rằng: “chỉ có mặc vải lanh, mình mới không bị lạc tổ tiên…”. Vậy nên, tiếng lành đồn xa, chất liệu quần áo sặc sỡ trên trang phục phụ nữ H’mong không chỉ dành riêng cho dân bản nữa, mà đã trở thành những món quà lưu niệm vô cùng độc đáo cho du khách khi ghé tới nơi này. Thăm thú quy trình làm nên một sản phẩm bằng vải lanh, mới thấy công sức và sự tỉ mỉ của những con người làm ra nó, từ đó càng yêu quý hơn những làng nghề truyền thống còn duy trì đến tận hôm nay.
Cuộc sống của những con người trên cao nguyên đá đơn giản mà không hề đơn điệu, bình dị mà không hề bình thường. Nếu không có một nghị lực phi thường, thì rất khó để chiến thắng thiên nhiên, để làm cho thiên nhiên trở nên thuần phục trước sức mạnh của con người.
Xem Clip: Hà Giang – hành trình của GIÓ (Bài dự thi Here We Go 2018)
Phiên chợ lùi ở Hà Giang
Chúng tôi may mắn tới Hà Giang vào một ngày diễn ra phiên chợ lùi ở Sà Phìn, nơi ngã ba rẽ ra hai nhánh đi vào Lũng Cú hoặc rẽ về phố cổ Đồng Văn. Thay vì 7 ngày mới diễn ra một phiên chợ, những phiên chợ lùi nơi vùng cao sẽ họp 6 ngày một lần, tuần sau lùi so với tuần trước một ngày. Chỉ có bốn phiên chợ lùi đặc biệt như vậy trên cao nguyên đá Hà Giang. Không phải may mắn là gì?
Hôm đó là ngày Tỵ ở Sà Phìn, phiên chợ bắt đầu từ lúc 5h sáng đến tầm trưa thì tan. Phiên chợ lùi ở Sà Phìn nói riêng và phiên chợ vùng cao nói chung, là nơi những cơn Gió cảm nhận đầy đủ sự sinh động và rõ nét nhất cuộc sống hàng ngày của người dân vùng cao Hà Giang. Ai cũng nô nức đi chợ, váy hoa xúng xính, thồ trên lưng đổ thứ đồ, mang đến chợ để trao đổi, gặp mặt, chuyện trò… tạo nên một thứ âm thanh tuyệt vời nơi điểm đầu cực Bắc của Tổ Quốc.
Xem Clip: Hà Giang – hành trình của GIÓ (Bài dự thi Here We Go 2018)
Hẻm Tu Sản – điểm nhấn Hà Giang trên dòng sông Nho Quế
Chúng tôi là những cơn Gió, dù đã đi qua Hà Giang không biết bao nhiêu lần, nhưng vẫn không hề thấy chán. Biết bao lần thổi qua Đệ nhất đỉnh đèo ở Việt Nam – Mã Pí Lèng, mà bây giờ mới phát hiện giữa dòng sông Nho Quế xanh màu ngọc lục, lại có 2 vách đá sừng sững chọc trời tạo thành Hẻm Tu Sản hùng vĩ mà ít người để ý đến. Gió bị mê hoặc, bị cuốn hút, thế là thêm một lần nữa phiêu lưu, tìm về giữa dòng sông Nho Quế để được ngắm nhìn sự hùng vĩ của Hẻm Tu Sản – hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á ở Hà Giang.
Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam từ địa phận thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, đi qua hẻm núi Tu Sản rồi chạy dọc theo đèo Mã Pì Lèng. Vì vậy mà khi đi ngang qua Mã Pí Lèng, thì mọi du khách đều có thể ngắm Hẻm Tu Sản từ trên cao, riêng với Gió chọn cho mình cách khám phá Hẻm Tu Sản bằng thuyền giữa dòng sông Nho Quế.
Hẻm Tu Sản trên dòng sông Nho Quế nổi tiếng là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, nằm giữa Đồng Văn và Mèo Vạc. Với độ cao 1500m, sâu 700 – 900m, chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, hẻm Tu Sản mang vẻ đẹp nên thơ, kỳ bí như sợi chỉ màu ngọc lục huyền ảo, ẩn hiện giữa núi rừng Đông Bắc hiểm trở.
Chúng tôi ngồi trên chiếc thuyền khám phá Hẻm Tu Sản, cả 3 đứa đều sững sờ, thảng thốt, vì trời ơi, đây là lần đầu tiên chúng tôi khám phá sâu vùng đất Hà Giang đến như vậy. Ngước nhìn lên vách núi dựng đứng, bầu trời lảng vãng những đám mây bay ngang mà chẳng thốt nên lời. Thuyền cứ lướt đi trên dòng sông Nho Quế hiền hoà, lướt tới đâu, cảnh vật thay đổi tới đó, sinh động hơn là 2 bên vách núi cũng là cuộc sống của người dân vùng cao, đang ngồi câu cá và nhìn chúng tôi như những con người lạ lẫm. Ước gì thời gian ngừng lại, Gió sẽ ngừng thổi, chỉ để quẩn quanh nơi đây lắng nghe hơi thở của núi rừng. Nhưng cuộc sống đâu phải vậy, thời gian cứ trôi, Gió thì không ngừng lại mà sẽ tiếp tục hành trình của mình để đi tìm niềm tự hào của mảnh đất Hà Giang đầy chất thơ và mạo hiểm này.
Xem Clip: Hà Giang – hành trình của GIÓ (Bài dự thi Here We Go 2018)
Cột cờ Lũng Cú – niềm tự hào nơi cơn Gió dừng chân
Mỗi lần lên tới đây là một cảm xúc khó tả bằng lời – cột cờ Lũng Cú. Chuyện kể rằng ngày xưa, khi thái uý Lý Thường Kiệt đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, Ông đã cắm một lá cờ lên đỉnh núi Rồng để đánh dấu lãnh thổ, từ vị trí đó, người ta dựng nên cột cờ Lũng Cú ngày nay. Dù còn 2km nữa từ cột cờ Lũng Cú mới tới điểm cực Bắc trên đất liền, nhưng nơi đây vẫn luôn tồn tại trong tâm thức của người Việt về một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia, nằm ở vị trí đắc địa nhất trong vùng.
Hẹn gặp lại Hà Giang, nơi núi rừng hùng vĩ cứ ngày đêm reo ca cùng Gió, vùng đất của niềm tự hào và hạnh phúc, nơi những con người dẫu có khó khăn nhưng vẫn biết vươn mình lên trong cuộc sống, như cây ngô, cây lúa có thể sinh sổi nảy nở trên những sườn đèo.
Và những cơn Gió của chúng tôi, sẽ chẳng bao giờ dừng lại…
Xem Clip: Hà Giang – hành trình của GIÓ (Bài dự thi Here We Go 2018)
Xuất sắc quá bạn ơi.
Qua Tết mình cũng mần ngay một chuyến!!