Trong câu chuyện lang thang ở Cao nguyên Bandung của Bill có khá nhiều những tip nhỏ dành cho các bạn, bạn nào cần thì tham khảo thêm, những tip nhỏ này sẽ là những gì mà Bill đã trải qua theo từng giai đoạn thời gian khám phá Bandung, dù là chỉ trong một ngày thôi, nhưng có rất nhiều câu chuyện được kể.
Đọc thêm:
- 24h khám phá Jakarta – Indonesia
- Khám phá núi lửa Tangkunban Perahu – Bandung, Indonesia
- Khám phá đền ngàn phật Borobudur
- Hành trình leo miệng núi lửa Bromo Mountain
- Đi qua Ubud, ngắm núi lửa Batur, tới đền Besakih huyền thoại
- Cách đi xe bus từ sân bay Jakarta vào trung tâm thành phố
Kinh nghiệm đi xe bus từ Jakarta tới Bandung?
Sau bữa ăn tối cùng bạn bè để kết thúc ngày đầu tiên khám phá Jakarta, Abe dẫn tôi ra một bến xe địa phương hỏi giờ giấc của chuyến xe đi cao nguyên Bandung vào sáng sớm hôm sau. Tôi chọn chuyến xe sớm nhất vào lúc 6h sáng và giá vé hình như là 100.000 Rp (tương đương với 200.000 VNĐ cho đoạn đường khoảng 150km, tính ra là hơi mắc, nhưng tới sáng hôm sau thì tôi mới biết tại sao). Abe bảo với tôi rằng, bình thường thì mất hơn 2 tiếng để đi từ Jakarta tới Bandung, nhưng nếu kẹt xe thì có khi mất 5 – 6 tiếng đồng hồ, vậy nên đi càng sớm càng tốt, chờ đến giờ đi làm của người dân Jakarta thì có khi không ra khỏi thành phố được đâu. Nhà xe mà Abe dẫn tôi ra mua vé có lẽ là xe chất lượng cao, có ghế nằm rộng rãi (loại xe Limousine) và đúng giờ là chạy, bằng chứng là trên chuyến xe sáng hôm ấy chỉ có 1 mình Bill mà thôi. Vậy tính ra 100.000 Rp là quá hợp lý rồi.
Cũng có một điều may mắn cho Bill, hôm nay là thứ 2. Chẳng người dân Jakarta nào đi du lịch Bandung cả. Nếu mà là cuối tuần thứ bảy, chủ nhật thì tình hình có thể sẽ diễn biến khó lường hơn nhiều. Vì Bandung giống như là nơi nghỉ mát, thư giãn của người dân Jakarta vào dịp cuối tuần. Nói thế này cho các bạn hình dung nè, cao nguyên Bandung nó giống Đà Lạt ở Việt Nam về cảnh quan, khí hậu, nhưng vị trí từ thủ đô Jakarta tới Bandung thì gần tương đương với vị trí từ thành phố Hồ Chí Minh tới Vũng Tàu. Thử hỏi các bạn, xách nguyên cái thành phố Đà Lạt đặt cái ạch vào vị trí của Vũng Tàu, thì bà con sẽ biểu hiện như thế nào. Trong khi đó, Jakarta thì vừa đông đúc, vừa nóng nực, vừa ít có chỗ nghỉ ngơi thư giãn, việc người dân Jakarta đổ dồn về cao nguyên Bandung cũng được gọi là bình thường. Đó là lí do vì sao mà Abe nói dù chỉ có khoảng 150km thôi, mà có khi 5 – 6 tiếng mới tới được. Tức là tốc độ rơi vào khoảng 25km/h.
Lang thang vào những con hẻm ở cao nguyên Bandung
Nhìn đẹp vậy đúng không
Nhưng nếu nhìn toàn cảnh thì những quả đồi ở Bandung đang dần bị khai thác hoá, đây là một vấn đề mà các nhà chức trách của Bandung phải đối mặt khi tác động của du lịch ngày càng lớn lên thành phố này.
Cuộc sống chật hẹp của rất nhiều người dân Bandung. Chen chúc trên những con đồi.
Những cách đi từ Jakarta đến Bandung
Sáng sớm hôm ấy, Abe còn mua đồ ăn sáng để đưa cho tôi mang theo, tới thành phố Bandung thì ăn cho đỡ đói bụng, vì lúc đó, cả Bill và Abe còn ngái ngủ sau bữa thức khuya tối qua. Xe chạy được một lúc lâu, Bill lồm cồm thức dậy nhìn đồng hồ, lúc ấy mới chỉ gần 8h sáng, anh tài xế xuống xe và bảo tôi là đã tới thành phố Bandung rồi, tôi cứ hỏi đi hỏi lại mãi tới 3 lần, đây có phải là trung tâm thành phố Bandung không, anh chắc đây là Bandung chứ, đây là cao nguyên Bandung có phải không? Vì Bill không nghĩ là tới đây sớm như vậy, chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, không giống như những lời cảnh báo. Vậy nên sau này bạn nào có đi từ Jakarta tới Bandung thì đi xe bus càng sớm càng tốt.
Khá nhiều người lựa chọn tàu lửa để đi du lịch Bandung từ ga xe lửa Gambir (cái ga xe lửa mà Bill đã từng nhắc trong bài xe bus đi từ sân bay vào trung tâm Jakarta đó), cũng đúng thôi, vì nếu không đi được sớm thì rất dễ bị kẹt đường như lời Abe nói.
Chắc chỉ có 2 cách đi đó là vừa rẻ vừa hợp lý thôi. Tuỳ thời điểm đi mà bạn nên chọn xe lửa hay xe bus (xe đò á). Nếu đi vào lúc sáng sớm, và nên đi vào lúc sáng sớm, thì nên ra bến xe để mua vé. Tốt nhất là mua vé trước 1 ngày. Còn nếu đi vào giờ cao điểm của Jakarta thì nên đi xe lửa, vì xe lửa chạy có một đường à, không lo kẹt xe. Tuy nhiên đi xe lửa sẽ lâu hơn đi xe bus đấy.
Khám phá cao nguyên Bandung ở Indonesia
Ngày thứ hai ở Indonesia, tôi đang có mặt tại cao nguyên Bandung và kế hoạch sẽ là:
– Khám phá ngọn núi lửa: Tangkunban Parahu – Một nơi mà ai cũng phải tới khi đến khám phá Bandung. Cũng là một trong những mục tiêu trong chuyến hành trình Indonesia lần này.
– Tìm đường tới Yogjakarta. Tất cả cũng chỉ trong 24h mà thôi !!!
Vì vậy để chủ động, việc đầu tiên mà Bill phải làm đó là mua vé cho chuyến tàu lửa trễ nhất trong ngày, để đi từ cao nguyên Bandung tới Jogjakarta trước, rồi muốn đi đâu thì đi. Sở dĩ Bill chọn đi xe lửa từ Bandung tới Jojakarta là vì xe lửa nó có chuyến chạy vào ban đêm, nếu bắt chuyến tàu lửa vào khoảng 6h – 7h chiều, thì tới Jojakarta là vừa sáng, tầm 2 – 3h sáng cho đoạn đường khoảng 400km. Thời gian đi từ thành phố Bandung tới thành phố Jogjakarta khoảng tầm 9 – 10 tiếng đồng hồ. Như vậy, bạn sẽ tiết kiệm được khoảng thời gian ban đêm vừa ngủ vừa di chuyển của mình. Đi du lịch bụi như Bill, thì việc này khá có ích. Nó giúp bạn 3 điều: một là có nhiều thời gian vào ban ngày để đi chơi, hai là bạn có thể vừa ngủ vừa di chuyển làm cho bạn cảm thấy giấc ngủ của mình không hề lãng phí, ba là tiết kiệm được 1 đêm ở khách sạn.
Bước xuống chiếc xe bus với vẻ mặt lơ ngơ, láo ngáo, hỏi 3 người trông có vẻ sáng sủa nhất thì chẳng ai có thể trả lời được cho Bill là: đi như thế nào để tới nhà ga xe lửa Bandung. Bill hỏi là: Để tới Bandung Railway Station thì đi như thế nào? Nhưng vô vọng.
Họ không biết, bởi vì họ không hiểu Bandung Railway Station là gì. Mãi một lúc mới có một người tới bảo:
– Có phải mày muốn đi Bandung Hall Station?
– Bandung Hall Station là gì, có phải là nơi có mấy cái tàu lửa không? Bill hỏi lại.
Bạn đó bảo là đúng rồi. Bắt xe bus nào có chữ Hall Station mà đi.
À, hoá ra là do cách hỏi của mình bị sai, ở Bandung người biết tiếng Anh không nhiều, cao nguyên Bandung mặc dù là thành phố lớn thứ 3 ở Indonesia nhưng trông bên ngoài có vẻ nghèo nàn, lạc hậu, giống một vùng quê thanh bình ở Việt Nam hơn. Hay là do tôi đi vào thứ hai nên không thấy sự xuất hiện của khách du lịch, nhưng nếu là như vậy thì quả thật mình may mắn, được ngắm một thành phố trần trụi, quay về với cái không gian thật sự của nó. Ngồi trên chiếc xe bus nhỏ đi tới Hall Station, Bill cũng kịp mua cho mình một tấm vé để đi tới Jogjakarta vào tối nay lúc 18h55.
Lưu ý khi mua vé xe lửa ở Indonesia. Cẩn thận luôn đó nha.
Vé xe lửa ở Indonesia thường có 3 loại vé: Vé Economic, Vé Executive và Vé Business. Trên một chuyến tàu sẽ chia ra làm 3 hạng ghế ứng với 3 loại giá vé. Theo bạn nghĩ mắc nhất là vé nào khi nghe 3 cái tên này, có phải bạn sẽ nghĩ mắc nhất là hạng Business không? KHÔNG HỀ.
– Rẻ nhất là Vé Economy, tuy nhiên, không nhiều chuyến tàu có bán loại vé này.
– Mắc nhất là Vé Executive.
– Và Rẻ hơn là Vé Bussiness, rẻ hơn nhiều luôn á.
Tại sao Bill nói bạn lưu ý, cẩn thận, đó là vì Bill đã mua nhầm loại vé Executive. Trước khi mua vé, bạn phải khai vào một tờ khai bao gồm tên, số hộ chiếu, ngày cấp, nước nào, ID ra sao, muốn đi từ đâu đến đâu, và muốn chọn loại ghế ngồi nào. Executive hay Business?
Bill hỏi thằng cha kế bên coi vé nào rẻ, nó không hiểu hay sao á, biểu Bill chọn vào Executive đi. Tưởng mình khách nước ngoài, tưởng mình là Tây hay sao đó mà. Xong sau khi thanh toán, cầm tấm vé ra mà muốn khóc tiếng Miên luôn, miệng chửi thề, *ù *á, đi xe lửa có 400km mà lấy của tao hết 350.000 Rp. (700.000đ). Lúc đó chưa tức, bởi vì mình cũng tính là đi từ Jakarta tới Bandung có hơn 100km mà tốn 100.000 Rp. Đây đi 400km vậy là cũng đúng giá rồi đó. Nhưng tối hôm đó, trước khi lên tàu, thì có nói chuyện với mấy người, mua vé loại Business thì chỉ có 250.000 Rp. thôi. Mà 100.000 Rp. lúc đó nó lớn lắm chứ bộ.
Cầm tấm vé tàu đã chắc cú có trong tay, tôi bước ra khỏi nhà ga xe lửa Bandung Hall Station và nghĩ về ngọn núi lửa Tangkunban Parahu – lần đầu tiên trong đời, nó sắp được nhìn thấy núi lửa thực sự.
Đồi chè ở Bandung
Bandung này nhìn giống Việt Nam quá. Mấy năm trước N đi Medan thấy cũng không khác VN là mấy. Lần sau có dịp quay lại sẽ ghé Bromo 😀
@Ngân: Các nước Đông Nam Á ở đâu cũng gần giống nhau, đặc biệt là miền quê 🙂 Nhưng thật ra nếu sống ở đó thì thấy khác nhiều lắm ^^