Hành trình 7 ngày khám phá dải đất Java của Indonesia đã đến hồi kết thúc, nói chung là thành công tốt đẹp, lịch trình lên rất sát nhưng lại được thực hiện khá hoàn hảo: Ngày đầu tiên ở Jakarta, ngày thứ 2 ở Bandung, ngày thứ 3 ở Yogjakarta, ngày thứ 4, thứ 5 ở Bromo Mountain, ngày thứ 6, thứ 7 ở Bali. Và hôm nay đã là ngày cuối cùng. Bill phải lên một lịch trình để khám phá Bali và kịp chuyến bay về Kuala Lumpur vào lúc 1oh đêm. Thời gian dài làm việc ở các hòn đảo Thái Lan làm Bill không muốn chọn biển, bỏ qua bãi biển Kuta trong thành phố, hành trình ngày hôm nay với chiếc xe máy mới mượn của nhà Sud là: Đi qua Ubud, tới ngắm núi lửa Batur, sau đó quành về đền Besakih huyền thoại, và chạy về lại trung tâm thành phố. Tổng cộng 137km đường đồi núi, cái này không hẳn là một hành trình an toàn nhưng là một hành trình đáng để trải nghiệm.
Đọc thêm:
- 24h khám phá Jakarta – Indonesia
- Khám phá núi lửa Tangkunban Perahu – Bandung, Indonesia
- Khám phá đền ngàn phật Borobudur
- Hành trình leo miệng núi lửa Bromo Mountain
- Đi qua Ubud, ngắm núi lửa Batur, tới đền Besakih huyền thoại
- Cách đi xe bus từ sân bay Jakarta vào trung tâm thành phố
Hãy dành nhiều thời gian cho Ubud thay vì biển Kuta Beach
Nếu có thời gian ở Bali thì hãy đến Ubud
Ở mỗi Ubud không cũng được
Vậy đó, mặc dù Bill chỉ đi ngang qua Ubud thôi, nhưng đó là một quãng đường đẹp với nhiều những resort và thiên nhiên trong lành. Ubud nằm lọt giữa vùng rừng núi trùng điệp ở Bali, vậy nên ở tổng quan Ubud chẳng khác nào một Resort khổng lồ, bên trong là những Resort nhỏ hơn. Tới Ubud bạn được hít thứ không khí trong lành, xanh mát và thoang thoảng hương thơm từ các loài cây.
Ubud dành cho những vị khách thích mơ mộng, ưa sự chậm rãi và thanh bình. Bởi nếu nói là đi chơi khám phá thì cũng không có gì, ngoài các ngôi đền và sở thú và các thửa ruộng bậc thang, cây cọ dầu… Buổi sáng bạn có thể thức dậy và hít thở, buổi trưa ăn xong hít thở, buổi tối hít thở. Hãy hít thở thật nhiều vì thứ quý giá nhất ở Ubud như mình nói ở trên là không khí.
Dù không có thời gian ở lại Ubud, tìm một homestay nào đó ngủ một giấc thật đã, kể cho các bạn nghe cụ thể Ubud có gì, đi đâu chơi. Nhưng mà Ubud chỉ vậy thôi, chẳng có gì, nhưng nếu được thì hãy ở thật lâu.
Núi lửa Batur ở Bali
Phía sau là hồ Batur – hồ nước lớn nhất Bali
Người ta nói rằng núi lửa Batur giờ đang ngủ, tuy vẫn hoạt động nhưng không còn những đợt dâng trào, và cũng không ai dám đảm bảo rằng bất cứ núi lửa nào ở Indonesia sẽ không dâng trào trở lại. Từ Ubud chạy lên Batur cũng không xa lắm, quãng đường hơn 30km nối thị trấn Ubud ở trung tâm Bali tới Kintamani – thị trấn nhỏ thu hút rất đông khách du lịch với hai địa danh nổi tiếng nhất là núi lửa và hồ Batur, tuy nhiên địa hình đồi núi và lắt léo sẽ không làm bạn chạy nhanh được. Đặc biệt là cảnh đẹp ở Ubud làm mê hoặc lòng người khiến bạn không muốn rời xa.
Con đường mòn dẫn tới chân núi lửa Batur và qua hồ Batur
Trải nghiệm thú vị nhất là leo lên đỉnh Batur cao hơn 1.700m so với mực nước biển, nhưng có vẻ Bill lại không có thời gian để làm chuyện đó, nên đành phải ngắm Batur từ xa, nơi có rất nhiều quán ăn, quán cafe tận dụng được góc nhìn của núi lửa Batur và hồ Batur để chào đón du khách vào ăn uống. Không khó cho bạn chọn ngẫu nhiên bất cứ một quán nào đó bên đường để tấp vào. Du lịch Indonesia như mình nói vẫn còn nhiều lộn xộn, nên là tốt hơn hết thì hãy cảnh giác với giá cả và dịch vụ ở đây.
Bên cảnh núi lửa Batur là hồ Batur – hồ nước lớn nhất ở Bali, tạo nên một cảnh sắc sông núi mênh mang lòng người. Dừng ở Batur, chụp vài ba tấm hình, vào một nhà hàng nhỏ để ăn món Pad Thái của Thái Lan, Bill lại lên đường tiến về ngôi đền Mẹ Pura Besakih.
Toàn cảnh núi lửa Batur và hồ Batur
Khám phá đền Besakih ở Bali
Ngôi đền Mẹ, được xem là ngôi đền cổ lớn nhất ở Bali là Pura Besakih với hơn 1.200 năm lịch sử. Đó cũng là điều khiến Bill muốn tới đây, và muốn dừng chân ở ngôi đền này trước khi rời Bali. Đền Besakih có tổng số 21 ngôi đền và nhiều điện thờ nhỏ nằm trên sườn núi phía nam Gunung Agung có tuổi thọ trên 100 năm. Ngọn núi này phun trào lần cuối vào năm 1963, dòng dung nham tràn quanh cách đền vài mét. Người dân Bali tin rằng các vị thần đã che chở cho ngôi đền thoát khỏi mối đe dọa đó.
Tới đây các bạn phải thuê Sarong quấn vào người để thể hiện lòng tôn trọng đối với các vị thần trong đền. Lại là câu chuyện người Indonesia làm du lịch rất lộn xộn và nhiều cách móc tiền của du khách. Đầu tiên là vụ mua vé, cổng bán vé khá xa so với đền, lúc Bill đi xe máy tới thì rất nhiều người từ xa đã bảo gửi xe để mua vé, mà chỗ nào cũng có bán vé vào cổng, thế nhưng tới cổng thì chẳng ai soát vé cả??? Ở đây, cũng có rất nhiều người quấn Sarong lảng vảng trước cổng cao của ngôi đền, cứ thấy khách du lịch lóng ngóng là tiếp cận để trở thành hướng dẫn viên, họ nói rằng: muốn vào đền, bắt buộc phải có một hướng dẫn viên đi kèm??? Số tiền trả cho những người này không biết bao nhiêu, nhưng Bill thì cứ tự tin bước lên cổng vào ngôi đền và tự đi tham quan chứ không cần người nào cả. Cũng có một cách khác là các bạn nhập vào một đoàn khách nào đó, chẳng có ai kiểm soát bạn là phải đi với hướng dẫn viên nào cả.
Lối thang chính lên đền Pura Besakih – ở đây các hướng dẫn viên tự phát luôn túc trực
Một khách Tây được đi kèm cùng một người hướng dẫn tự phát
Quay lại với đền Besakih, nét đặc biệt kiến trúc ở đây là chóp mái bale đan từ lá cọ đen, trải qua ngàn năm nên đen nhánh một cách tự nhiên và nổi bật, khác biệt so với các kiến trúc Hindu giáo thường thấy ở Ấn Độ. Mang hơi hướng mà Bill nói ở bài trước là hơi hướng Nhật Bản. Bạn có thể chiêm ngưỡng qua 360 độ các góc cạnh ở Besakih và lấy cảm hứng cho chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Sau khi trở về từ Pura Besakih, Bill lại về nhà Sud, dùng bữa cơm tối rồi anh Sud chở ra sân bay, tạm biệt Bali, tạm biệt Indonesia. Bill lại về Kuala Lumpur vài ngày xem như là trạm dừng chân của mình. Hành trình Java khép lại, nhưng những cảm xúc của nó thì vẫn còn đến tận bây giờ. Thời điểm viết bài này thì cũng là 2 năm từ khi mình tới Indonesia, có lẽ viết hết hành trình này rồi mình mới có thể đi tiếp được.
Toàn cảnh đền Besakih
Những bức tường rêu phong và phủ đầy cây cối ở đền Besakih
Những cánh cửa đối xứng hình tháp là đặc trưng ở đây
Cây nêu treo trước cổng thể hiện đang có hỉ sự ở bên trong
Phong cách kiến trúc tháp lợp bằng sợi lá cọ, trải qua hàng nghìn năm trở nên đen nhánh