Xin chào Bali, nếu các bạn dành thời gian đi hết dải Java như hành trình vừa qua của Bill thì sẽ nhận ra rằng Bali là một phần rất khác của Indonesia. Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới, 86% người dân ở Indonesia theo Hồi Giáo, 3% người dân ở Indonesia theo Hindu giáo, thì 3% này đều tập trung hầu hết ở Bali. Như vậy, có thể nói, 86% dân số Indonesia theo đạo Hồi, nhưng 86% dân số ở Bali lại theo đạo Hindu. Vậy nên, từ nếp sống tới kiến trúc, văn hoá đều khác nhau hoàn toàn và giống như là bạn đang bước vào một vùng đất mới, một nền văn hoá mới khi đặt chân tới Bali. Người Hindu họ rất sùng bái thần linh, và một trong các đền thiêng mà ai tới đây cũng nên đến một lần đó là đền thiêng Tanah Lot ở Bali.
Đọc thêm:
- 24h khám phá Jakarta – Indonesia
- Khám phá núi lửa Tangkunban Perahu – Bandung, Indonesia
- Khám phá đền ngàn phật Borobudur
- Hành trình leo miệng núi lửa Bromo Mountain
- Đi qua Ubud, ngắm núi lửa Batur, tới đền Besakih huyền thoại
- Cách đi xe bus từ sân bay Jakarta vào trung tâm thành phố
Đạo Hindu ở Indonesia
Như Bill đã nói ở trên, số dân theo đạo Hindu ở Indonesia chỉ chiếm khoảng 3% và hầu hết tập trung ở Bali, vậy nên tất cả các bản sắc văn hoá, tập tục, kiến trúc đều đậm chất Hindu giáo. Đều là nguồn gốc Hindu giáo, nhưng những kiến trúc đền ở Bali khác hẳn với phong cách kiến trúc đồng tôn giáo ở cái nôi xuất xứ là Ấn Độ, ngay cả với các đền Hindu giáo trong khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của thời kỳ Ấn Độ hoá như Wat Phou (Lào), Angkor (Campuchia)… đền đài Hindu giáo ở Bali mang một lối xây dựng riêng, rất khác biệt, đó là một niềm tự hào của người Bali từ hàng ngàn năm qua.
Kiến trúc đền thờ ở Bali không nặng về tính phô trương và sự đồ sộ, các ngôi đền ở Bali đơn giản, thanh thoát với tổng thể, và tập trung nhấn vào các chi tiết nhỏ trong trang trí là chủ yếu. Lối kiến trúc cơ bản như cổng đền, các chi tiết đục chạm đều giữ nguyên tính truyền thống, với cổng hình tháp đối xứng, các nét trang trí thể hiện tích truyện từ sử thi Ramayana và Mahabharata, đi cùng là các vị thần và linh vật của Hindu giáo như khỉ Hanuman, ngỗng thần Hamsa, bò thần Nandin, chim thần Garuda, phù điêu Kala, thần gió Rehu… thể hiện trên nền gạch nung tinh xảo đến bất ngờ.
Những ngôi đền trên đường phố Bali
Chạm khắc tinh xảo
Cổng hình tháp đối xứng
Ở Bali, Bill ấn tượng với các toà tháp chóp mái bale đan từ lá cọ đen, nhìn như những ngôi đền Nhật Bản trong khu vực của các Ninja. Nhưng, khi search trên Google thì không có gì liên quan giữa kiến trúc chóp mái bale đan từ lá cọ đen với kiến trúc kiểu các ngôi đền của Ninja ở Nhật Bản cả.
Có thể thấy rõ toà tháp chóp mái bale đan từ lá cọ đen ở đền Tanah Lot
Ở Bali không chỉ có biển
Sáng sớm tới nhà Sud, tôi cũng ngạc nhiên vì lần đầu tiên được trải nghiệm cuộc sống của một gia đình Hindu giáo ở Bali. Không khác gì những người Ấn ở các nước Đông Nam Á, ở Hindu giáo người ta vẫn ăn bốc bằng tay, từ người lớn cho đến trẻ em, nên nhìn những đứa trẻ không mấy sạch sẽ. Gia đình Sud sống với nhau 3 thế hệ trong một không gian vừa phải, nên thêm một người như Bill tới ở thì chỗ ngủ cũng rất khó khăn. May mắn là nhà Sud có một cái giường một nhỏ nhắn, đặt gần phòng của Sud dùng để để đồ, vậy nên nó được dọn lại để nhường chỗ cho Bill. Mọi người trong gia đình rất thân thiện, cười nói suốt ngày, khi biết Bill chưa ăn gì thì mấy anh chị của Sud liền đi mua cho Bill một gói xôi vì sợ cơm ở nhà không hợp khẩu vị. Dù Sud và tôi cũng mới lần đầu gặp nhau, qua giới thiệu của một người bạn, thế nhưng mọi người trong nhà lại tiếp đón rất nhiệt tình.
Sud khá bận, tối qua về trễ không thể đón Bill được, sáng nay lại phải đi làm rất sớm. Nên công cuộc khám phá Bali trở nên khá vất vả khi chỉ có một mình Bill, và phương tiện duy nhất được hỗ trợ đó là chiếc xe đạp của ai đó ở trong nhà của Sud. Thời điểm đó ở Bali nắng nóng vô cùng, và chiều thì luôn có những cơn mưa bất chợt làm cho việc đạp xe càng trở nên kinh hoàng. Thế nhưng cũng không ảnh hưởng gì mấy, ngày đầu tiên ở Bali, Bill chọn ngôi đền thiêng Tanah Lot để tham quan vì đó là nơi gần nhất tính từ nhà của Sud, cũng khoảng 20km gì đó. Cả đi và về là 40km. Tối hôm đó, kể cho mọi người rằng Bill đi Tanah Lot bằng xe đạp thì ai cũng ngạc nhiên vì không nghĩ Bill có thể đạp được từng đó vừa đi vừa về trong một buổi chiều.
Cũng chính vì nhờ xe đạp mà Bill nhận ra rằng ở Bali không chỉ có biển. Con đường từ trung tâm Bali tới Tanah Lot là một sự chuyển đổi cảnh sắc liên tục và khác biệt. Đền trên đường phố Bali ở khắp nơi, Bali có rất nhiều đền, nhiều đến nỗi không đếm được, mỗi cộng đồng có nhiều hơn một ngôi đền, mỗi gia đình là một ngôi đền, nhà Sud cũng có thờ mấy vị thần ở trong sân và ngay bản thân người Bali, mỗi người chính là một ngôi đền.
Thoát ra khỏi cái đông đúc của đường phố là trải dài của một con đường quê với lúa vàng, ruộng bậc thang chín rợp ở hai bên cùng những cây cọ dầu cao vút, đứng sừng sững một mình. Tưởng tượng như Bill đang lạc vào một vùng đất kiểu như Tây Bắc Việt Nam chứ không phải là một hòn đảo du lịch đặc sắc của thế giới. Đi miết mà vẫn chưa thấy biển.
Đền thiêng Tanah Lot ở Bali
Đây là một trong bảy ngôi đền nổi tiếng bên bờ biển Bali, có một vị trí rất đặc biệt. Đứng tại bất cứ đâu trong chuỗi bảy ngôi đền, du khách đều có thể thấy được đền Tanah Lot.
Sở dĩ đền Tanah Lot trở thành một phần của thần thoại Bali vì theo truyền thuyết, vào năm 1546, một tu sĩ Ấn Độ thông thái đã đến Bali. Khi đi ngang qua đây, ông thấy cảnh đẹp nên đã thuyết phục người dân dựng đền để truyền bá đạo Hindu. Từ đó, Tanah Lot trở thành một trong những điểm đến của các tín đồ đạo Hindu từ nhiều quốc gia.
Thoạt nhìn thì đền thiêng Tanah Lot không mấy hoành tráng, nhưng nhìn kỹ thì ngôi đền Tanah Lot được xây dựng khéo léo trên một mỏm đá khổng lồ nằm độc lập giữa biển khơi. Khi thuỷ triều dâng thì không có cách nào ngoài việc thuê một chiếc thuyền nhỏ để qua được ngôi đền. Những tín đồ Hindu giáo lựa lúc thuỷ triều xuống để bước qua những mỏm đá nối đất liền và ngôi đền để dâng lễ.
Đền thiêng Tanah Lot
Du lịch ở Indonesia nói chung là khá phức tạp vụ vé vào cổng. Ở đền Tanah Lot cũng vậy, vé được bán rải rác từ đầu đường dẫn vào đền tới cổng đền. Như những lần trước, Bill cứ tự tin đạp xe thẳng vào sâu bên trong và bỏ qua các lời mời mọc mua vé. Đền thiêng Tanah Lot miễn phí vé cho người bản địa, vé được bán cho khách nước ngoài, nhưng lúc Bill tới thì cũng đã xế chiều, kiểm soát vé cũng dễ nên là Bill cứ tự nhiên đi thẳng vào như người bản xứ vậy thôi.
Lúc nãy Bill có nói là Tanah Lot là một trong bảy ngôi đền nổi tiếng bên bờ biển Bali. Thực ra là bờ biển Pura Tanah Lot. Người ta lấy tên của ngôi đền nổi tiếng nhất đặt cho cụm quần thể khá rộng lớn, là nơi ngự trị của rất nhiều ngôi đền. Vậy nên tới Tanah Lot không chỉ có Tanah Lot mà còn rất nhiều ngôi đền khác, chỗ nào cũng có thể ngắm được đền thiêng Tanah Lot. Vì lúc đó, thời gian khá gấp, trời lại kéo mây vần vũ nên Bill cũng không tìm hiểu được nhiều, chủ yếu tới để ngắm được Tanah Lot và trải nghiệm đường sá Bali bằng xe đạp mà thôi.
Các góc khác ở đền thiêng Tanah Lot
Mình chưa có cơ hội được đến Indonesia. Qua bài viết của bạn, mình biết thêm thông tin về đất nước họ, cũng giúp cho mình nếu du lịch đến đó.