Nhật ký hành trình xuyên Việt bằng xe máy
Ngày 47: 26.5.2013
Theo kế hoạch xuyên Việt, thì tôi chỉ ở Hà Nội đúng 2 ngày, 1 ngày nghỉ ngơi và 1 ngày để thăm bạn bè ở đây, sau đó xuất phát đi Ninh Bình khoảng 2-3 ngày và về Saigon bằng đường ven biển và quốc lộ 1A. Thế nhưng kế hoạch thay đổi nhanh chóng khi một số anh ở Hà Nội sau khi nghe tôi chia sẻ thì rủ ở lại chơi rồi cuối tuần đi chung với nhau vào Ninh Bình chụp hình bìa Album cho một ca sĩ. Khi tôi viết tới đoạn này thì anh ấy đã tung Album mới được mấy ngày và được đón nhận nhiều thông tin tích cực từ phía báo chí. Ai thì xí nữa xuống phía dưới bài các bạn sẽ biết.
Ninh Bình – chuyến đi bất ngờ từ Hà Nội
Nghe cũng hợp lý nên tôi ở lại Hà Nội vì lúc đó cũng không có phải vội về Saigon làm gì. Với lại được hứa hẹn hôm đó sẽ đi bằng ô tô nên cũng hứng thú, ít ra thì lần đầu tiên trong chuyến xuyên Việt của mình được đi ô tô. Cộng thêm việc đi chụp hình bìa Album thì càng khoái, đúng sở trường luôn. Vậy là thiên thời, địa lợi, nhân hoà đều có cả. Tung tăng vài ngày ở Hà Nội thì cũng đến cuối tuần. Chuyến đi bắt đầu.
Chúng tôi khởi hành thẳng từ Hà Nội, đi bằng đường cao tốc thì chưa đến 1 tiếng đồng hồ đã tới Ninh Bình. Địa điểm ngày hôm nay là Tràng An, nơi được xem là Vịnh Hạ Long trên cạn của Việt Nam. Bản thân tôi cũng thấy choáng ngợp trước cảnh sắc ở nơi đây khi tới nơi. Mặc dù là cuối tuần nhưng lượng khách tham quan không nhiều, vậy nên càng nhiều không gian cho chúng tôi tham quan và tác nghiệp.
Tràng An – thắng cảnh Ninh Bình
Ở Tràng An, có hơn 1300 thuyền nan làm dịch vụ đưa khách đi tham quan, và được điều động theo cơ quan chủ quản. Mỗi thuyền nan phải đủ 5-6 khách mới có thể khởi hành. Đoàn của chúng tôi vừa đủ 6 người nên lên thuyền đi luôn, còn những khách lẻ phải chờ cho đủ để ghép đoàn. Còn nếu ai muốn đi riêng thì phải mua thêm vé, mỗi vé hình như là 100.000đ. Vì lần này tôi không mua vé nên cũng không nhớ rõ lắm giá là bao nhiêu. Theo người chèo đò ở đây cho biết thì mỗi tuần cô chèo được cao lắm là 2 chuyến. Có khi vào mùa thấp điểm 3, 4 tuần mới chèo được 1 chuyến. Vậy là thời gian còn lại, những nhân viên chèo đò ở đây lại có thêm những công việc riêng để kiếm sống.
Đặc sản ở Ninh Bình thì ai cũng biết là cơm nguội và dê núi. Nhưng theo người dân địa phương ở đây thì dê núi giờ hiếm lắm, không phải nhà hàng nào cũng có, nhưng nhà hàng nào cũng treo biển đặc sản dê núi Ninh Bình. Tất nhiên là giá của các nhà hàng ở đây cũng không phải là rẻ.
Làng cổ Cố Viên Lầu, Ninh Bình
Sau buổi trưa, chúng tôi quyết định tìm thêm chỗ để chụp, đi vòng vòng thì cuối cùng cũng phát hiện ra làng cổ Cố Viên Lầu phù hợp với mục đích chụp hình của ngày hôm nay. Làng cổ Cố Viên Lầu là một mô hình thu nhỏ của làng quê Bắc Bộ, ở đây sưu tầm hơn 20 nếp nhà cổ có niên đại từ thế kỉ 18 -20. Các ngôi nhà đều được làm từ gỗ quý với những hoa văn sống động và nghệ thuật tinh sảo. Những ngôi nhà được cất dựng sát bên nhau tạo nên một không gian mang đầy màu sắc văn hoá truyền thống, và màu sắc văn hoá truyền thống ấy không chỉ nằm ở trong các nếp nhà cổ mà còn ở những đồ vật của người dân sử dụng hàng ngày.
Sau một ngày mệt nhoài ở Ninh Bình, chúng tôi ghé qua Phủ Lý để ăn món chim cò đồng quê nổi tiếng trước khi về lại Hà Nội.
Bạn ui, mình người Ninh Bình xịn. Đặc sản quê mình là thịt dê cơm cháy chứ ko phải cơm nguội đâu 😀 Hi vọng có dịp mời bạn dê núi xịn nha ^^
Các bài viết của bạn rất chi tiết và dễ thương. Cảm ơn bạn nhé.
Còn đầm Vân Long, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm nữa Bill à. Đầm Vân Long đẹp nhất là mùa này nè. Chùa Bái Đính có tượng phật cao nhất Đông Nam Á đó.
@Hoa Quỳnh: Hôm nào về Ninh Bình cho bạn dẫn đi chơi nhé ^^