Nhật ký hành trình xuyên Việt bằng xe máy
Ngày 37: 16.5.2013
Sau khi chia tay đoàn sản xuất chương trình vào buổi trưa hôm qua, tôi bị rủ rê nên phải lưu lại Lũng Cú 1 ngày nữa, tức là tôi đã ở đây 2 ngày 2 đêm (bằng một tour du lịch Đà Lạt ngắn ngày) – nơi mà tôi chỉ tính tạt ngang chứ không hề có ý định ở lại.
Thế là để thuận tiện cho lịch trình ngày hôm sau: chạy một lèo từ Lũng Cú tới Thành phố Cao Bằng, thì chiều hôm nay tôi sẽ tranh thủ đi nhà Vương vua Mèo và phố cổ Đồng Văn sau đó quay trở về Lũng Cú trong đêm, để sáng mai bắt đầu cuộc hành trình vượt Mã Pí Lèng huyền thoại. Theo dự kiến 4h các chị trong tổ du lịch làm xong và sẽ đưa tôi đi chơi. Thế nhưng 5h chúng tôi mới thực sự bắt đầu và tôi cũng bắt đầu lo lắng về khoảng thời gian này, vì thực tế là 5h thì trời ở Lũng Cú vẫn còn rất sáng, nhưng chỉ 2 tiếng sau thì mọi thứ sẽ trở về bóng đêm nguyên chất, tức là không có một chút ánh sáng nào, nếu có thì cũng chỉ là những đốm sáng nhỏ phát ra yếu ớt từ mấy mái nhà con con.
Nhà Vương Vua Mèo ở Lũng Cú, Hà Giang
Lúc trước chị Hoa ở Tổ du lịch có làm ở nhà Vương một thời gian nên tôi gần như nắm trọn thông tin ở đây mà không gặp một chút khó khăn gì. Điều mà tôi thích thú nhất ở nhà Vương là mặc dù trời chiều nhưng không hề có muỗi, một điều rất kì lạ ở vùng núi Tây Bắc này. Lí do là vì trước cửa nhà Vương có trồng những hàng cây sa mộc đã 400 năm tuổi, loài cây phát ra một mùi hương chống muỗi rất hiệu quả. Điều thứ 2 đó là nguồn gốc của ông Vua Mèo này, ông là một người bình thường có công với cách mạng, người dân tôn sùng nên được mọi người phong lên làm Vua. Hiện nay con cháu Vua Mèo vẫn còn sống tập trung ở quanh khu vực này. Trước năm 2004 họ sống trong dinh vương, nhưng bây giờ cả dòng tộc tặng dinh vương này cho nhà nước và dọn ra ngoài để sinh sống và làm ăn. Vua Mèo Vương Chính Đức có 3 người con địa chia làm ba nhánh: nhánh người con cả Vương Chí Tinh, một số đang sống ở Hà Giang, Hà Nội và một số ở Sài Gòn; nhánh con thứ hai Vương Chí Sình đang sống ở Canada và một số ở Mỹ; nhánh con thứ ba Vương Chí Chư đang sống ở Đồng Văn này. Điều tôi ấn tượng cuối cùng là địa thế của dinh vương, ngày xưa trong chiến tranh với Trung Quốc, đây là nơi an toàn nhất và tránh được đạn pháo của kẻ thù. Vì thế mà bộ đội ta chọn đây làm nơi tập trung và ông Vua này cũng tạo điều kiện hết sức cho cách mạng lúc bấy giờ.
Câu chuyện trôi qua, mặt trời lúc này cũng đã lặn, chúng tôi tiến về phố cổ Đồng Văn, một nơi mà tôi nghĩ là nó sẽ rất đẹp. Nhưng hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ, hôm nay là một ngày bình thường nên cũng không có gì đặc biệt. Vì thế mà tôi không biết kể gì cho các bạn ở đây. Sau khi ăn xong đĩa bánh ướt ở phố cổ chúng tôi chạy về Lũng Cú, lúc này đã là 20h hơn. Mặc dù chỉ 26km nhưng trời tối và đường dốc quanh co nên chúng tôi dự tính 22h mới về tới Lũng Cú. Sau 13km đầu tiên, chúng tôi tới Ma Lé vào lúc 21h30.
Xém bị bắt cóc ở biên giới
Vào thời điểm này, mọi người mới bắt đầu nói với tôi về việc không an toàn khi đi từ Ma Lé vào Lũng Cú. Ở đoạn đường này, có đoạn Việt Nam giáp với Trung Quốc chỉ 20m, đã có nhiều trường hợp người mình đi về khuya qua đoạn đường này đã bị bắt cóc. Chúng tôi hoang mang, nên quyết định sẽ ngủ lại ở ven đường để đảm bảo sự an toàn, không dám mạo hiểm để chạy liều vào Lũng Cú. Hỏi 1 nhà dân duy nhất còn mở cửa lúc đó thì không được sự chào đón, chúng tôi đành ngồi dưới hiên ở 1 ngôi nhà đã đóng cửa khác. Chị Hoa bảo với tôi đây là lần đầu tiên chị trải qua hoàn cảnh này mặc dù đã ở Lũng Cú khá lâu. Chúng tôi mua mấy cái khăn để quấn qua đầu tránh sương đêm, 2 chị em dựa lưng vào nhau và thiếp đi trong cái mệt của sự lo lắng. Buổi đêm ở ngoài này sẽ là một cơn ác mộng thực sự bởi vì trời rất rất rất lạnh. Một bạn khác đi cùng với chúng tôi thì ngủ không được nên cứ đi vòng vòng suốt đêm, bạn ấy bảo sẽ đi như thế này tới sáng thì về. Tôi lúc đó cũng không còn sức để mà suy nghĩ nữa, nghĩ rằng mệt thì bạn ấy sẽ dựa vào đâu đó ngủ thôi. Trong cơn nửa tỉnh nửa mê, tôi nghe thấy sự ồn ào phát ra từ xung quanh. Tiếng mấy chàng lính biên phòng trẻ trốn đồn ra nhậu vào lúc khuya và vô tình gặp phải chúng tôi, thế là được mọi người hỏi han và mời xuống ngôi nhà bí mật của mấy anh chàng để uống bia. Chúng tôi mừng khôn xiết vì nghĩ sẽ tránh khỏi cái sương lạnh đêm khuya của vùng rừng núi và muỗi. Sau mấy li bia tôi cáo mệt và lên chiếc giường tạm bợ ngủ trước, mùi hôi và sự ẩm ướt lúc đó cũng không làm tôi cảm thấy có vấn đề vì đã quá quá mệt, và nằm ở đây còn hơn là phải ngồi ngủ ở ngoài hiên như lúc nãy.
Sáng hôm đó, tôi dậy rất sớm và xin phép mọi người về trước. 5h sáng, chạy xe mà cái lạnh muốt buốt cả xương. Về tới Lũng Cú chúng tôi vui mừng vì mình vẫn đang còn được an toàn. Mọi người ở đây thì quá quen với việc này nên chả ai có ý kiến hay một lời hỏi han gì, tôi chui nhanh vào chiếc giường và ngủ cho tận đến 9h sáng ngày hôm đó, bù cho cả sự mệt mỏi của nguyên buổi tối ngày hôm qua.
Hành trình vượt Mã Pí Lèng huyền thoại
10h sáng, tôi bắt bầu khởi hành rời Lũng Cú và tiến lại về Đồng Văn. Đoạn đường ngắn này mới đi qua lần thứ 2 mà tôi tưởng đã quá quen với nó rồi. Buổi trưa ở Đồng Văn cũng không khác gì mấy với buổi tối hôm qua ở đây. Tôi nhanh chóng tiến về Mèo Vạc, cùng với ngựa chiến Maximus của mình đi trên con đường hạnh phúc chinh phục đèo Mã Pí Lèng huyền thoại – một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Vậy là 3 trong số tứ đại đỉnh đèo tôi đã đi qua, hẹn một ngày không xa sẽ chinh phục đỉnh đèo còn lại. Về tới thành phố Cao Bằng là lúc trời đã về chiều. Chia tay Hà Giang, chia tay Lũng Cú, Đồng Văn, Mèo Vạc, chia tay Mã Pí Lèng, tôi về với một vùng đất mới cũng không kém phần thú vị và đầy quyến rũ.
Mã Pí Lèng huyền thoại
Đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng) thuộc tỉnh Hà Giang là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pí Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 20 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.
Mã Pí Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong “tứ đại đỉnh đèo” tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.
Đèo Mã Pí Lèng huyền thoại
cái vụ xém bị bắt cóc thật là “giật tít” mà =.=’
Nếu đi tiếp thì khả năng bị bắt cóc là rất cao mà em, nhưng mà anh cũng chưa biết thực hư nó thế nào, chỉ nghe người ta nói lại với nhau thôi
=)) cái tít bắt cóc =))) mới nghĩ ổng bị bắt thì lấy đâu ra bài này.