Viết cho quê tui, miền Tây xứ ấy [icon icon=icon-heart-empty size=20px color=#000 ]
Tết về quê là cập rập cận Tết, việc trước việc sau, nào lương nào thưởng, là quan trọng nhất: đến lúc về nhà. Xu, sáng thức dậy trong một sự tất bật gói ghém và “câu giờ” với Sài Gòn, thật ra là với cái chăn, cái gối, cái giường. Mua 1 ly cafe sạch treo trên xe dọc đường vừa đi vừa uống.
Tết về quê là những đoạn đường mà xe máy bối rối chạy trên tuyến đường của xe ô tô, xe khách thì rụt rè chạy qua làn đường của xe máy. Ai đã từng về quê trong những dịp Tết, lễ, hội, hè thì biết rồi đấy. Kẹt xe kinh hồn lắm.dữ.hén!
Tết về quê là những xe máy cặp cặp đôi đôi vừa nai hành lý, vừa chất quà cáp, là những xe khách đông kín người, là những xe hàng, xe hóa,…tất cả tất tả về quê. Những chiếc xe máy bon chen lích nhích nhau, trời thì nóng, đường thì bụi, tiếng xe máy thì ồn ào nhưng trên đầu những cái nón bảo hiểm ấy là hoa mai vàng, là bánh mứt, là dưa hấu, ngũ quả, là nhạc xuân, hài Táo, là họp mặt, là xum vầy, là lì xì đi nhận lời chúc đến,…ai nấy khấp khởi về, ✿✿✿ ♪ ♫ ♩ “về nhà đón Tết cùng nhau…”
Tết về quê là tay xách nách mang, gói đồ của xe máy này, quai mang với quai xách vướng vào tay cầm, tay lái của xe máy kia. Xe đông đường nhỏ, xe này níu ngã vào xe kia, xe ông này chống đỡ cho xe bà nọ, rốt cùng chẳng xe nào ngã, chẳng người nào té, tay lái nào cũng vững chân, người lái nào cũng dễ dịu lòng. Tết mà, Tết mà, từ từ rồi cũng về tới nhà.
Tết về quê là trên những tuyến đường quốc lộ, là những chiếc xe khách con vô tình xê nhích, khẽ chạm nhẹ vào xe máy đang len lỏi bên cạnh, cửa xe lập tức mở “Xoạch”, có người đàn ông lao ra giữ lại xe và người đang chênh vênh sắp ngã, trên ô tô có mấy cái đầu nhốn nháo thò ra “Có sao hông?”, “Xin lỗi nghen”, “Không sao gồi” dù rằng chẳng phải lỗi lái xe của ai, “chỉ là đường chật người đông/ xe con béo núc vô tình ấy thôi”. Là những lúc kẹt xe, có những người xuống đi bộ theo xe, có những người dừng chân bên hàng quán, nằm võng đu đưa, chờ đường thoang thoáng. Xu, thấy trên những “trận” đường kẹt xe hướng về miền Tây xứ ấy, có những người xách những nước đóng chai, vừa lạnh vừa mát, đổi sự giải khát của những người nọ người kia để kiếm thêm tiền đón Tết. Tuy là chặt chém phân bua, nhưng Tết mà, khó khăn mà, nước dâng tận họng, người ta bán cái nhu cầu giải khát của những kẻ muốn mua, bán cả cái bất thuận, cái bất tiện khi mà “ai nấy” có thể nào lết bộ xuống xe, chen chúc trên đường xá, tìm hàng ghé quán để mua những lúc kẹt xe chen lấn đâu. Một người cần đôi khi có mười người bán. Tết mà, ai cũng muốn bán, ai cũng muốn mua.
Tết về quê là những tuyến đường rất nhiều thiên vị, hướng mà Xu cùng hàng ngàn xe với cộ là: lũ lượt đổ về như vũ bão, hướng đường ngược lại lắm lúc vắng cứ như là “xa lộ chỉ dành cho người đi bộ”. Tết về quê là vẫn trên những con đường quốc lộ, Xu lại thấy ở hướng đường ngược lại bên kia, người dân địa phương, xe hàng truân chuyển, cả những người về quê ăn Tết theo chiều đổ ngược từ miền tây xa về phía những miền tây gần, họ vui vẻ dừng lại nhường hết tuyến đường không có con lương ngăn cách, cho những tha hương trở về từ những nơi xa hơn của họ, họ cũng đông, họ cũng vội, nhưng một người họ nhường cả trăm người bên tuyến của Xu. Tết về quê tiếp tục lại là những đoạn đường không còn thiên vị. Miền Tây xứ ấy có nhiều tỉnh thành, có nhiều hướng rẻ, có những đoạn phía Xu thì trống phía họ thì đông. Bên Xu là đường rộng,bên đường họ thì xe lớn xe nhỏ, xe máy, xe con, xếp hàng đợi đường thông thoáng lối. Là Xu thấy các bác tài cười “mỉm chi cọp”, cười bó tay, cười xoa đầu, cười gãi tóc :), cười xuề xòa, cười hòa nhã. Có những bác tài chân ngang gác chân dọc, tranh thủ ngủ gục đầu; có những bác tài hếch mũi chống cằm; người gọi điện, kẻ lau xe, dường nhưng không một ai bực dọc, tựa như không một ai điên máu tục tằng, Tết mà, chả lẻ trách cái Tết cứ đến hoài hay sao.
Tết về quê, đường về miền Tây xứ ấy, là huề hòa, là thứ lỗi, là bâng quơ, là “nụ cười Tết, gắn kết yêu thương” ✿✿✿ ♪ ♫ ♩
Xu về trên tuyến đường Sài Gòn – Vĩnh Long – Trà Vinh, trên tuyến đường của Xu đi hay hầu hết tuyến đường về miền Tây “sến súa” thì cũng sém sém xem xem nhau thôi. Người thì đông, đường thì xa, thời gian chạy sẽ thêm kéo dài, Xu thấy thay vì mang cái bề bộn, cái lộn xộn, cả những cái tiếng ồn “hiện đại điên dại người nghe”, Tết mà, về miền Tây đừng xấc xược xô ngang, đừng làu bàu chen lấn, đừng bấm kèn inh kèn ỏi, mình hay người ai cũng muốn được về ăn hết cái Tết chân quê, đừng gấp đừng rút, đặng mà trông trước trông sau, trông đường trông xá, trông cảnh sát giao thông bắt người lái xe như người ta đánh bắt cá, trông cả cái rộn ràng, cái hăm hở của năm mới Tết về, người miền Tây tha hương ấy ơi. Xu viết vội viết vàng, ai đó ai kia, Tết tràn lan lênh láng ra hết rồi kìa. Miền Tây xứ ấy, có bún mắm, có canh chua, có dưa mắm, có bún nước lèo, có dưa kiệu, có thịt trứng kho, có “con cá gô bỏ dô gổ kêu gột gẹc gồ gồ”, có “chợ bông” không có “chợ hoa”, có “chứng gà chứng dịt”, “có guộng có đồng”, có những con người xuề xòa phóng khoáng vị tha, có những nụ cười vừa bùi vừa ngọt như giọt phù sa. Mùng Mười người ta vẫn coi là còn Tết, Tết về mong lắm, nhưng đường về “hỏng hẵng” thong thả nha mấy người miền Tây ơi.