Từ “Đảo Quỷ” của phim chiếu rạp “Anh thầy ngôi sao” thẳng tiến thành Đảo ngọc Phú Quý hot nhất trên bản đồ du lịch 2020. Những ngày nằm ườn mình ở nhà giãn cách xã hội, thanh âm của biển mẹ vang vọng trong ca khúc “Bài ca tôm cá” (phim Anh thầy ngôi sao) cứ thúc giục tui lên đường. Nào những mũi Kê Gà, đảo Điệp Sơn, đảo Phú Quý trong bộ phim hài chiếu rạp của đạo diễn Đức Thịnh thực sự làm nứt toác, vỡ lanh tanh bành những trái tim yêu biển, ham đi, nghiện xê dịch nhưng lại bị trói chân bởi dịch dã, nghèo túng và cách ly.
Lưu ý: Chuyến đi được thực hiện vào tháng 7/2020.
Đọc thêm Trang Chó Review:
- Phần 2 bài này – Lịch trình du lịch Đảo Phú Quý 2N2D & Thông tin các hãng tàu ra Đảo
- Nhảy dù Đồi Bù – Hạ cánh nơi anh, phiên bản Chương Mỹ
Đảo ngọc Phú Quý – Thanh âm của bình yên biển cả
Cũng chẳng biết từ khi nào, cái đảo Quý mà nhân vật Hoàng trong “Anh thầy ngôi sao” cứ luôn mồm gọi là “đảo quỷ” chết tiệt vì quá hoang sơ, thưa dân, điều kiện sinh hoạt kém cỏi… lại bước ra đời thực, trở thành cái tên hot nhất được rất rất nhiều travel blogger, review-er, cộng đồng người yêu du lịch săn đón và tìm đến trong suốt 2 quý đầu năm 2020. Đấy là người ta, còn tui, phải mãi đến khi đi xuyên Việt vào tháng 7.2020, tui mới có dịp đến đảo ngọc Phú Quý (Bình Thuận) – một trong những hòn đảo tui vô cùng yêu thích.
Với một người sống 18 năm ở gần biển, nghe thấy tiếng sóng vỗ bờ là đã đủ vui tai, chứ béo quá cũng hiếm có khi nào tự tin lôi bikini dưới đáy balo ra mặc để quẫy tung bọt sóng như mấy chị hotgirl trên mạng. Được xuống đảo ngọc Phú Quý để ngủ tui cũng cảm thấy hạnh phúc, ăn vài món dân dã của người địa phương làm, ngồi nghe đôi ba câu chuyện lịch sử xen lẫn tâm linh lúc 12h khuya trong hơi men của bia lon đất liền, học nướng con nhum với mỡ hành thế nào mới là đúng điệu, tìm những quán bánh tráng nướng dẻo lề đường nướng bằng than dậy mùi, ngồi bên nhau lúc chiều tà vừa ăn vừa nghe nhạc chill từ một chiếc loa mini bạc triệu, thả mình nằm vẹo cả võng thở lỏng cơ bụng bềnh bồng không cần cố hóp khi chụp ảnh, nhắm mắt đánh một giấc thật sâu khi bên tai là thanh âm của biển, của sóng, của chim muông và tiếng gió lao xao…
Mọi thứ đều đẹp một cách rất đời, rất bình dị, không hoa mĩ. Chỉ trừ có cái việc là trên đảo nắng thấy mẹ, cái nắng mà có thể khiến người em gái đất Đà Lạt quen chịu lạnh của tui đổ gục ngay từ khi bước chân xuống tàu, có thể nằm vật ra sàn đất ngủ và tránh nắng hoặc nổi quạo bất cứ lúc nào vì nắng quá trời nắng, gắt quá trời gắt.
Đôi nét về Đảo Phú Quý – Bình Thuận
Đảo Phú Quý thuộc địa phận của tỉnh Bình Thuận, cách xa đất liền khoảng 120km. Hòn đảo xinh đẹp này trước đây có diện tích chừng 21km2; với khoảng 33.000 dân sinh sống nhưng hiện tại do bị xâm thực nên chỉ còn lại khoảng 16km2. Người dân ở đây kể lại, bờ kè Bảy Sắc hay Vịnh Triều Dương đều đang được kè lại để chống xâm thực, cảnh quan cũng đã không còn nguyên vẹn như 6-7 năm trước.
Đảo có 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải. Tam Thanh là xã có cảng tàu khách, khu trung tâm kinh tế phát triển nhất của huyện đảo. Ngũ Phụng thì là khu hành chính ở giữa đảo, Long Hải ở mặt sau của đảo, khá xa trung tâm nên du khách sẽ thường ở khu vực Tam Thanh thôi nè. Đảo nhỏ, chạy xe máy khoảng chừng 1 ngày là hết 1 vòng đảo cùng các cụm điểm, mà mỗi điểm cách nhau cũng không quá xa, đổ chừng 20 – 30 ngàn tiền xăng ở ngay chỗ cầu cảng Phú Quý là đi 2 ngày kim xăng vẫn chưa nhích đến vạch giữa, còn bao la mênh mông xăng lúc trả lại xe cho chủ nhà.
Đảo thì nhỏ nhưng lại rất biết cách làm du lịch. Những người dân đánh cá, đi tàu bè lâu năm giờ cũng chuyển sang lái cano, làm HDV Tour cho các đoàn thăm quan, đưa bà con đi quanh đảo hoặc mở homestay, cho thuê xe để phát triển và làm giàu cho mảnh đất nhỏ 16km2 này.
Những điểm nên ghé thăm khi đến đảo Phú Quý
Cũng bởi sau khi chiếu “Anh thầy ngôi sao”, đảo Phú Quý lại càng được săn đón và gọi tên nên dù đảo hoang sơ nhưng trên Google map vẫn sẽ hiển thị đầy đủ các địa điểm du lịch, check-in mà ai ai đến đảo cũng muốn ghé đến. Đảo nhỏ nhưng rất sạch sẽ, đường sá cũng thông thoáng và hầu như đã gia cố bằng bê tông, vẫn có những đoạn đường bằng sỏi, đất đỏ đang xây dựng mà trời tối quãng độ 19h30 là quanh đảo hầu như không có đèn, trời tối đen như tiền đồ của chị Dậu nên các bác đi lại cẩn thận, soi đèn và đi chầm chậm để tránh ổ gà. Vớ quả trời mưa mà đi đêm ở đảo thì ngon, sml luôn chứ đùa.
Đảo có chừng gần 20 điểm để tham quan, rải rác quanh đảo như một bản đồ kho báu. Bạn cũng không cần bận tâm nếu chẳng biết sắp xếp đi đâu trước, sau vì chủ homestay nhiệt tình sẽ chỉ hết, một cách thông minh, logic nhất có thể.
Những điểm nên ghé thăm khi đến đảo Phú Quý (liệt kê theo cụm gần nhau nha các bác):
- Cụm 1: Vịnh Triều Dương; Dốc Phượt; Cột Cờ Chủ Quyền (điểm đón bình minh đẹp lúc 5:30 sáng); Bãi Nhỏ; Gành Hang; Hồ Vô Cực; Bè Cá Làng Dương
- Cụm 2: Mộ Thầy (Dinh mộ Thầy Nại); Hồ cá ngay cạnh đó (bối cảnh quay phim của Anh thầy ngôi sao); Chùa Linh Sơn (Núi Cao Cát) – điểm đón bình minh hoặc hoàng hôn đều đẹp; Phong Điện Phú Quý; Núi Cấm (ngọn Hải Đăng) – điểm đón bình minh hoặc hoàng hôn; Bờ Kè Đa Sắc; Đền Thờ Công Chúa Bàn Tranh; Bờ Kè Bãi Lăng; Chùa Linh Quang; Vạn An Thạnh; Hòn Tranh (phải đi cano và nên mua tour); Hòn Đen.
Nhìn chung thì hầu hết các điểm này chỉ để tham quan bằng mắt, cảm nhận bằng tần số rung động của trái tim chứ cũng chẳng có gì. Ai thấy đẹp thì nó sẽ đẹp, ai thấy vô vị thì đúng là cũng sẽ chẳng có gì thật. Nhưng đã đến đảo thì ngoài thưởng thức hải sản, ẩm thực địa phương, hóng hớt vài ba câu chuyện hay ho xưa cũ thì cũng nên đi lang thang vài điểm như trên cho nó biết đảo có gì.
Ai thích thì đi, không thích đi cũng phải đi, chứ ra đảo rồi chẳng biết ở đảo có cái gì hay thì cũng buồn cười. Khoảng 20 điểm du lịch trên thì có lẽ sẽ hợp với dân du lịch ngắn ngày, các bà các mẹ các anh các chị lần đầu đến đảo thích khám phá, thích chụp hình này nọ. Còn nếu ở lâu, ở dài, có dịp ghé đảo mướt mải để trải nghiệm sống như Robinson ngoài đảo hoang, trải nghiệm như thể mình là “Anh thầy ngôi sao” thì đảo Quý còn có khá nhiều thứ hay ho khác: đi câu mực đêm, đi bắt con còng gió với người dân đảo, theo thuyền bè đánh cá ra khơi xa để xem cá heo, đến đảo vào dịp Rằm hoặc mồng 1 âm lịch đầu tháng để được xem san hô cạn lúc thủy triều rút…
Thời gian thích hợp để du lịch Đảo ngọc Phú Quý
Nếu có dịp, các bác cứ ghé đảo vào tầm nửa đầu năm, chứ từ tháng 7 đổ đi là dễ mưa hoặc bão to. Cũng do ăn ở, những ngày tháng 7 lẽ ra phải sóng to gió lớn nhưng biển rất êm, sóng khá hiền hòa chứ không cục súc vỗ vào thành tàu chòng chành làm chị em bánh bèo chúng tui say sóng. Nhưng mà sóng mấy thì cũng không đọ được tài ngủ oặt lưỡi của hội lợn biển chúng tui.
Đặt mình xuống là ngủ, lên tàu ngủ; nhận phòng xong ngủ; ăn trưa xong lại ngủ; xuống đi cano ngủ cmn trên cano; cano cho dừng chơi ở Hòn Tranh thì tấp vào lề tự tìm võng lăn ra ngủ; đang đi chơi dạo quanh chỗ này chỗ kia thấy nắng quá, ghé vào một góc mát ngồi nghỉ nghỉ quay sang đã thấy…ngủ.
Bởi vậy ta nói, ăn được ngủ được là tiên. Mà bão gió ai đời lại động đến thần tiên làm chi cho mệt nợ. Cái ngày chúng tui rời đảo, anh Lĩnh – cán bộ xã có báo là ngày 1/8 biển lại động, sóng lại lớn, có mưa nên tàu bè cũng hạn chế ra đảo lắm. May mà trời còn thương, cớ làm sao mà ghé thăm đảo vào cái mùa bão gió nhưng lại được ngày đẹp trời nắng như chó.
Mà nhân đây cũng tiện đôi lời khuyên các bác, nếu sắp xếp được, đừng ghé đảo 1 ngày, cố gắng ở trên đảo càng lâu càng tốt, đi 2N2Đ như tụi tui thì chỉ kịp ngủ, ăn sương sương, chơi dăm ba chỗ check in nhẹ nhàng thôi chứ chưa tìm hiểu được kĩ văn hóa đảo đích thực đâu. Như hội bạn mới quen trên đảo, họ ở đến cả tuần, buồn buồn lại vác bia lên khu Mộ Thầy để ngồi tỉ tê cùng “huyền thoại cồn” của đảo – người uống 125 lon bia/ngày không say, để nghe bác kể chuyện lịch sử hay hơn nuốt đĩa. Mà cũng đừng dại mà ghé đảo ngày cuối tuần. Chẳng có cái gì gọi là “bình yên” trên đảo nhỏ hết, khi mà du lịch hóa đã kéo cả trăm ngàn lượt khách/ngày đến đảo vào mỗi cuối tuần.