27 C
Ho Chi Minh City
Saturday, December 7, 2024
spot_img
HomeGóc NhìnChuyện NghềToàn cảnh bức tranh thị trường bán lẻ ở Việt Nam 2015

Toàn cảnh bức tranh thị trường bán lẻ ở Việt Nam 2015

Từ ngày làm FMCG mình nghiên cứu về FMCG cũng nhiều, nhưng dạo gần đây, nổi cộm có lẽ vẫn là các bài viết chia sẻ về tình hình thương mại điện tử, các phi vụ mua bán và sát nhập hay gã khổng lồ VinGroup làm mưa làm gió thị trường cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam. Nên nhân tiện, mình sẽ review tổng quan bức tranh tình hình thị trường bán lẻ ở Việt Nam trong năm 2015 thông qua báo cáo Market Pulse mới nhất được công bố bởi Nielsen. Chứ cũng không có gì to tát đâu nha, báo cáo này dành phần lớn slide nói về FMCG nhưng mà do mình cũng chưa có quá nhiều kiến thức để đọc báo cáo, nên tạm thời mình sẽ tổng hợp một phần của báo cáo là Tình hình thị trường bán lẻ ở Việt Nam trong năm qua.

Năm 2015 là một năm đình đám trong các phi vụ mua bán và sát nhập của thị trường bán lẻ

  • Điểm lại thời điểm giữa cuối năm 2014, thật ra giữa cuối tháng 8 năm 2014, tập đoàn Berli Jucker Public Company Limited (BJC) của Thái đã công bố mua lại Metro ở thị trường Việt Nam với mức giá 879 triệu USD – mà theo chủ tịch kiêm tổng giám đốc của BJC cho rằng đây là một con số hợp lý, không quá đắt cũng không quá rẻ. Mức giá này, được BJC và Metro đồng thuận sau hơn một năm đàm phán với sự hỗ trợ của công ty tư vấn Lazard của Mỹ. Mà đến khoảng đầu năm 2015 thì đồng loạt báo chí mới đưa tin chính thức về việc này. Động thái BJC mua lại Metro là thấy được tiềm năng trong việc phân phối các sản phẩm và dịch vụ tai Việt Nam và Metro là thời cơ tốt. Metro có nền tảng và cơ cấu phù hợp với BJC, giúp BJC phát triển nhanh hơn là đầu tư mới. Trước đó BJC đã vào Việt Nam vào năm 2007, và hiện tại sau khi thâu tóm Metro thì BJC sẽ có tổng cộng 7.000 nhân viên Việt Nam, chiếm một nửa trong tổng số 14.000 nhân viên của BJC trên toàn cầu.
  • Đến đầu tháng 10 năm 2014 thì VinGroup mua lại 70% cổ phần Công ty Ocean Retail, đánh dấu việc tham gia sâu hơn vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam. Theo thống kê trên đầu người, mô hình bán lẻ hiện đại ở Việt Nam vẫn dưới mức 20%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan… Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn và là thị trường mục tiêu đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ mà minh chứng rõ nét nhất chính là việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào thị trường bán lẻ này.
  • Năm 2014 chưa dừng lại ở đó, khi vào cuối năm, hãng bán lẻ khổng lồ Nhật Bản Aeon mua lại 49% cổ phần Citimart và 30% cổ phần Fivimart. Điều này là một nước cờ tất yếu của Aeon, khi mà động thái của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trước đó, bước chân chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam. Động cơ của Aeon là rất rõ ràng: Việt Nam sẽ sớm trở thành một thị trường tiêu thụ khổng lồ, và bắt tay với các đối tác địa phương sẽ là một yếu tố quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.

Qua năm 2015, càng ngày các phi vụ diễn ra càng lớn với giá trị chuyển nhượng khá cao. Các bạn có thể xem qua biểu đồ:

thị trường bán lẻ

Nguồn: The Nielsen Company

  • VinGroup tiếp tục tấn công vào thị trường bán lẻ khi mua 100% cổ phần của Vinatexmart, qua đó Vingroup sẽ sở hữu toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart, với 39 cửa hàng đang hoạt động trên 22 tỉnh thành trong cả nước. 6 tháng sau đó, Vingroup tiếp tục mua 100% cổ phần của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại Maximark. Việc sáp nhập này sẽ là bước phát triển mới của hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ trong lộ trình phát triển 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trong vòng 3 năm.
  • Phi vụ đình đám nhất, đã được đưa vào Case Study Tiêu Biểu của M&A cho các bài dạy Marketing trong các trường đại học về kinh tế, đó là việc Nhà sản xuất thức ăn nhẹ Mondelez International đã chính thức nắm giữ 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (trước đây là Kinh Đô) với khoản đầu tư khoảng 370 triệu đô la Mỹ. Và cho đến nay đây được xem là thương vụ mua bán – sáp nhập có quy mô lớn nhất trong ngành bánh kẹo ở thị trường bán lẻ trong nước.

Chung quy lại, thị trường bán lẻ ở Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng, trong tương lai khoảng 4 – 5 năm nữa, thậm chí ngắn hơn, sẽ là thời điểm bùng nổ của các doanh nghiệp cả nội lẫn ngoại. Qua đây cũng thấy được rằng, sân chơi này đã trở thành sân chơi của các ông lớn, đầy đủ năng lực tài chính và tầm nhìn phát triển. Các doanh nghiệp ngoại có thể mạnh hơn doanh nghiệp nội về tài chính và tầm nhìn quốc tế, nhưng doanh nghiệp nội lại hiểu rõ hơn ai hết thị trường trong nước là như thế nào, và càng hiểu rõ hơn hết về các chính sách, cơ chế của nhà nước Việt Nam. Dù gì đi nữa, người tiêu dùng sẽ có lợi, các sản phẩm cộng sinh với thị trường bán lẻ sẽ có lợi.

Thương mại điện tử tiềm năng lớn ở thị trường Việt Nam?

Có lẽ đang là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất về thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam là: Tiềm Năng Lớn. Nhưng từ những nhận định Tiềm Năng đó, đến bây giờ vẫn chưa thấy một đại diện TMĐT nào khởi sắc trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Thị trường Việt Nam đối với mảng thương mại điện tử là một thị trường thật sự khó hiểu. Nhưng theo mình, đó không phải là do người tiêu dùng, mà là do tổng quan hệ sinh thái TMĐT vẫn chưa phát triển một cách đầy đủ.

Đầu tiên là vấn đề thanh toán: Thanh toán qua thẻ ATM hay Visa/Master còn quá rườm rà, phức tạp – mà không phải bất cứ ai cũng thành thạo hình thức thanh toán này, chưa kể phải đăng ký đủ hình thức mới có thể thực hiện được một giao dịch mua hàng. Còn các công ty Ví điện tử trong nước lại đang loay hoay hướng dẫn cho người tiêu dùng hiểu được thanh toán qua ví điện tử là như thế nào.

Trong khi hình thức COD chính là nguy cơ đưa các công ty TMĐT vào con đường phá sản. COD khiến các doanh nghiệp TMĐT tốn rất nhiều chi phí vận hành như: chi phí vận chuyển, chi phí marketing, nhân sự. Nhiều đơn hàng giao thành công rồi vẫn bị khách hàng huỷ khiến chi phí phát sinh tăng cao.

Nếu COD thành công đi, nhưng việc lựa chọn nhà cung cấp một cách đại trà, quy trình quản lý không thật sự bảo vệ người tiêu dùng, là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự ra đi của hàng loạt Website TMĐT ở Việt Nam thời gian vừa qua. Không biết CEO của một vài Website bán deal đã sử dụng sản phẩm của họ chưa, ví dụ của mình luôn nha: Có bạn nào mua Deal Massage giá rẻ trên một trang bán Deal uy tín, sau đó vào sử dụng dịch vụ tởm lợm, không như quảng cáo, chủ yếu là Massage nhạy cảm chưa. Vậy mà phần Bình Luận, tôi chẳng thấy một comment nào phàn nàn cả. Phải chăng, Người tiêu dùng không phàn nàn hoặc họ không thể phàn nàn.

Chính bản thân tôi cũng thử đưa một mặt hàng thời trang lên bán với giá rẻ hơn giá thị trường của sản phẩm chào bán, và không được đồng ý. Với lý do, giá như vậy là vẫn quá cao??? Quay lại các mặt hàng được đưa lên bày bán trên Deal với giá rất rẻ thì chất lượng lại không đảm bảo. Một số người rành hàng họ còn biết hàng đã được đẩy giá lên cao, sau khi khuyến mãi 50 – 60% thì giá bán trên Deal cũng là giá thị trường. Ai cũng biết rằng, tiền nào của đó, NTD chấp nhận trả tiền cao, còn hơn là mua một sản phẩm rẻ nhưng không biết rằng nó quá dởm, nếu ra đường, mua ngoài lề đường cũng bán được với giá đó. Quan trọng hãy bảo vệ Người Tiêu Dùng khi mua sắm Online, họ sẽ giúp công ty bạn phát triển hơn.

Sự phát triển mạnh mẽ của chuỗi Cửa Hàng Tiện Lợi

cửa hàng tiện lợi

Nguồn: The Nielsen Company

VinMart+ với các chiến lược thâu tóm và sát nhập đã dẫn đầu số lượng Cửa hàng tiện lợi mới mở trong tháng 12 năm 2015, đạt 20% chỉ tiêu 3 năm của VinGroup. Một con số quá ấn tượng. Cũng theo nghiên cứu của Nielsen, hình thức bán lẻ hiện đại (đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) ngày càng đóng vai trò quan trọng ở Việt Nam. Có đến 34% người tiêu dùng mua sắm tại các siêu thị lớn và 29% tại siêu thị một cách thường xuyên. Có 22% người tiêu dùng chọn mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi. Con số này càng ngày sẽ càng tăng.

Ở công ty tôi, mỗi bữa trưa đi ăn, đều phải qua một cửa hàng tiện lợi, ngày qua ngày, rõ ràng, số lượng người ăn trưa trong cửa hàng tiện lợi mỗi ngày một đông, đến lúc bạn phải ồ lên rằng: A, đông ghê ta. Vậy đó, thói quen ăn uống của chúng ta đang dần thay đổi bởi sự xuất hiện của các cửa hàng tiện lợi này.

Quan trọng là các cửa hàng tiện lợi này sẽ đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng trong tương lai. Đến năm 2020 dự đoán các hệ thống Cửa hàng tiện lợi sẽ thay đổi các thói quen của người tiêu dùng, và ngày đó cũng không còn xa.

cửa hàng tiện lợi

Nguồn: The Nielsen Company

Bill Balo
Bill Balohttps://billbalo.com
Mình là Bill, mọi người gọi mình là Bill Balo vì mình thích đi du lịch, và cụ thể hoá những chuyến đi du lịch thành các bài viết chia sẻ trải nghiệm trên trang blog này. Mình sống và làm việc ở Saigon, hân hạnh làm quen với tất cả mọi người.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

- Bill Balo's Partner -spot_img
- Bill Balo's Partner -spot_img
- Bill Balo's Partner -spot_img
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments