28.9 C
Ho Chi Minh City
Thursday, April 18, 2024
spot_img
HomeĐông Nam ÁThái LanKhám phá Phetchaburi – Vùng đất bị lãng quên

Khám phá Phetchaburi – Vùng đất bị lãng quên

Chưa bao giờ tôi đi một hành trình bằng xe đò dài như vậy. 700km từ Chiang Mai về Bangkok, chúng tôi bắt tiếp chuyến xe gần nhất để khám phá Phetchaburi cách thủ đô 130km nữa về phía nam của Thái Lan. Cũng may là xe ở Thái đi không dừng (non stop) và nhanh nên 8h sáng là chúng tôi có mặt ở Phetchaburi và chờ gia đình sếp của bạn tôi đến đón. Đây là một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu thành thị, hay nói cho dễ hiểu thì ai theo dõi cuộc biểu tình ở Bangkok trong thời gian gần đây thì có thể hiểu gia đình này thuộc phe áo vàng – những người có tiền nhưng không có quyền lực về chính trị. Nhưng mà cũng chẳng sao, áo gì cũng được, tôi thì quá đói rồi.

Khao-Chae – Món ăn thần thánh

Sáng nay, khám phá Phetchaburi bằng ẩm thực, tôi được giới thiệu một món ăn cực kì lạ mà ít có tài liệu du lịch nào viết về nó, món ăn thần thánh, rất được người Thái ưa chuộng, đặc biệt là vào mùa hè. Lúc nãy, khi vừa tới, tôi ra chọn món cùng mọi người, ai cũng bảo phải ăn món này nè, nó rất đặc biệt, nên tôi cũng ok, món này. Lúc đó chưa biết tên, nhưng tôi thấy rõ ràng người ta bỏ gạo vào trong những cái bát, những hột gạo bự, trắng và không dính vào nhau, tưởng chừng như có thể lượm từng hạt như lượm đậu. Sau đó người ta đổ vào bát một muỗng nước trong vắt, bỏ thêm vài cục đá vào bát. Tôi thầm nghĩ, quái, thế này sao mà ăn, trong món ăn này chẳng khác gì “cơm chan nước lọc bỏ đá”

IMG_3962 copy

Sau tôi mới biết món này gọi là Khao-Chae. “Khao” có nghĩa là gạo, “Chae” có nghĩa là ngâm trong nước. Đó, tôi đã nói mà, cơm chan nước thì nói đại chứ gì mà thần thánh. Thật ra có một ý nghĩa khác để giải thích về chữ thần thánh. Ngày xưa, khi người Mon xâm chiếm đồng bằng trung tâm, họ đã sáng tạo ra món ăn này để dâng lên nữ thần sông trong ngày Tết Songkran. Sau này thì món ăn này được phục vụ cho vua chúa trong cung điện, nên có thể thấy những chi tiết chỉ dành cho hoàng gia như hoa văn và kiểu dáng bát, chiếc muỗng vàng sang trọng. Đến bây giờ, bạn hỏi Khao-Chae thì ai cũng biết và có thể chỉ bạn địa điểm để thưởng thức. Hành trình khám phá Phetchaburi của tôi dần trở nên thú vị hơn khi được tìm hiểu quy trình làm món ăn thần thánh này.

Quy trình làm món ăn này trông đơn giản nhưng cũng rất công phu và tỉ mỉ. Đầu tiên gạo được nấu qua cho mềm nhưng chưa chín hẳn, sau đó cho gạo vào cái rây xả qua nước nhiều lần để loại bỏ hết bột cám ở ngoài.

Nước ướp hương hoa là nguyên liệu quan trọng và được chế biến tỉ mỉ nhất để tạo ra mín Khao-Chae. Trước tiên đổ nước vào một nồi lớn sao cho lượng nước ngập một nửa nồi sau đó cho một nhúm hoặc một vài cánh hoa nhài hoặc hoa hồng tươi vào nồi nước. Sau đó thả trên mặt nước một ngọn nến thơm hương hoa nhỏ đang cháy. Lấy nắp đậy hờ nồi nước trong 15 phút. Sau đó lại cho hoa và thay một ngọn nến với hương hoa khác vào nồi nước. Lặp lại lần thứ 3 với thao tác này. Bằng cách này hương thơm từ nến và tinh dầu tự nhiên từ hoa hồng hoặc hoa nhài sẽ thẩm thấu vào nước tạo nên hương vị cho món ăn.

Rắc nhẹ gạo đã chế biến vào nồi nước hương hoa, sau đó dùng một miếng vải thưa để bọc kín nồi nước nhằm tránh gạo bị nở rồi cho vào hấp cách thủy. Món này có thể ăn kèm với thịt lợn xay nhồi hạt tiêu non, thịt bò hoặc thịt lợn xé sợi tẩm ngọt, củ cải Trung Quốc muối chua, pa tê tôm… và được trang trí bởi nhiều loại rau củ màu sắc tùy thuộc vào sở thích của mỗi người.

Và sự thật là: rất khó ăn, đối với tôi thì đó là một món ăn nhạt nhẽo. Vậy nhưng tôi cũng cố gắng để cho qua bữa sáng một cách ngon lành nhất theo cách có thể để đủ sức tiếp tục khám phá Phetchaburi.

Khỉ ở Phetchaburi

Khám phá Phetchaburi mà không nhắc tới khỉ thì quả thật là một thiếu sót lớn. Khỉ tràn lan ngoài đường, khỉ đi trên dây điện, khỉ trên pano quảng cáo, khỉ trên 7eleven… chỗ nào có người là chỗ đó có khỉ, còn chưa chắc chỗ nào có khỉ là chỗ đó có người nheng. Vậy nên mấy người ăn xin ở đây có cái nghề ăn xin rất văn minh: đó là bán cùi bắp và cùi dứa cho khách làm đồ ăn cho khỉ. Người ta đi lượm mấy đồ ăn bỏ đi rồi cho vào từng bao ni-long, sau đó bán cho khách đi đường, chủ yếu là khách du lịch đang khám phá Phetchaburi giống tôi và tham quan chùa chiền.

 

Ở đây, các bảng thông báo cẩn thận với khỉ có mặt khắp mọi nơi. Nhưng dường như khỉ là một phần của cuộc sống người dân nơi đây rồi nên nó cũng là một chuyện rất bình thường.

Khao Wang

IMG_3998 copy

Ngọn đồi cao 92 mét này nằm trong địa phận huyện Muang. Vua Mongkut rất thích Đồi Khao Wang nên truyền xây dựng một cung điện trên đỉnh đồi vào năm 1860 dùng làm nhà nghỉ với tên là Phra Nakhon Khiri. Tuy nhiên, người dân tỉnh Phetchaburi vẫn gọi là “Khao Wang” đến ngày nay. Đồi Khao Wang hiện nay được tạo thành Công viên Lịch sử Phra Nakhon Khiri, mở cửa hàng ngày từ 8:30 đến 16:30 giờ. Một số khu vực trong của đồi bên đỉnh phía tây chuyển thành Bảo tàng Quốc gia Phra Nakhon Khiri, mở cửa cho công chúng từ 9:00 đến 16:00 giờ hàng ngày trừ thứ hai và thứ ba. Du khách có thể đi bộ lên đồi hay sử dụng toa xe kéo bằng cáp.

Tính nhẩm cũng phải mất khoảng 3 tiếng chúng tôi mới đi hết 3 ngọn đồi ở Khao Wang. Vừa đi vừa lẩm bẩm đúng là vua chúa, muốn làm gì thì làm, mà cái gì làm ra cũng phải khiến con người ta trầm trồ, khao khát và thèm muốn.

Vé vào cổng ở đây cũng giống như vào những ngôi chùa ở Bangkok. Thay vì miễn phí cho dân địa phương thì ở đây bán vé rất rẻ, 20B/vé (14k/vé) cho người Thái. Còn người nước ngoài thì 150B/vé (105k/vé). Tức có thể hình dung được một phép so sánh mang tính tương đối, một người khách nước ngoài đến Thái có thể nuôi được 7 người ở Thái Lan.

Hai loại vé dành cho khách nước ngoài và khách trong nước

Gân trời

 

IMG_4152 copy

Chẳng mấy chốc thì chiều, chúng tôi lại đói bụng và được dẫn vào một nhà hàng ngon nhất ở Phetchaburi. Không biết phải diễn tả như thế nào nhưng chắc chắn đó là buổi ăn ngon nhất mà tôi từng được ăn ở Thái.

Kết thúc buổi chiều muộn, 6 con người lại lên xe và trở về trang trại của vợ chồng boss. Bạn tôi mấy ngày nữa cũng phải bay về Phần Lan sau khi kết thúc 3 tháng thực tập ở Thái nên cũng muốn dành thời gian để đi thăm gia đình này, và đó là lí do vì sao hôm nay tôi có mặt tại đây và khám phá Phetchaburi.

Ngồi trên chiếc xe bán tải, đi trên con đường vắng dẫn vào trang trại, hai bên là đồng lúa xanh mướt và những cây cọ dầu thẳng tắp nối đuôi nhau làm cho ánh nắng chiều vàng ươm lúc ẩn lúc hiện ngang với tầm mắt chúng tôi. Hoà lẫn trong tiếng động cơ bán tải là những âm thanh du dương của những bản blue-jazz của Jimmy Clanton, làm tôi nhớ về những cảnh phim đầy hoang dã và lãng mạn của miền viễn tây nước Mỹ. Tự nhiên, lúc đó chỉ muốn thời gian ngừng lại lâu thêm một chút nữa, vì tôi biết rằng sẽ khó để có lại cảm giác này lần thứ hai.

 

Xe len theo con đường đất nhỏ vào một trang trại rộng lớn, tầm mắt còn rộng hơn một cả sân vận động Mỹ Đình. Tôi khẳng định rồi, tôi đang trong một bộ phim Mỹ hoàn hảo. Những chú chó chạy ra chào người chủ của nó và cố gắng sủa những người khách lạ, thậm chí, 30 phút rồi mà có một chú chó cứ liên tục sủa tôi, trong khi mấy con còn lại thì đã quen rồi. Mấy đứa con nít chúng tôi thì cầm một thau lớn thức ăn ra hồ cho cá ăn còn ba mẹ chúng thì lau dọn và cắt tỉa cây xung quanh nhà. Xong xuôi, tôi được giới thiệu cho một anh bạn cà tàng để đi dạo trang trại, đó cũng là lần đầu tiên tôi chạy xe tay côn. Sau 5 phút làm quen thì tôi hiểu được cách để sử dụng nó nhưng vì quá cũ nên nó luôn khiến cho tôi có những pha đổ mồ hôi đầm đìa, đúng là một con ngựa khó thuần phục. Chúng tôi đi cho đến lúc ánh mặt trời tắt hẳn mà vẫn chưa hết cái trang trại đó.

IMG_4227 copy

Chú ngựa khó thuần phục

Buổi tối cũng cực kì thú vị, vì đang là mùa lễ hội Loy Krathong nên chúng tôi tự làm những chiếc Loy Krathong cho riêng mình để tự thả xuống sông. Chỉ có Loy Krathong ở Chiang Mai mới được thả đèn trời, còn lại thì đều phải thả hoa đăng để trôi sông. Giống như đèn trời, người ta thường thả đèn sông kèm với những điều không may mắn trong cuộc sống đi theo. Còn tôi, thì đã có một mùa lễ hội Loy Krathong ở Thái Lan đầy cảm xúc và những kỉ niệm thật đẹp.

Bước 1 – Làm đế đèn sông
Bước 2 – Trang trí vành đế
Bước 3: Cắm hoa, cắm nến, cắm nhang
Đây là những chiếc đèn hoa hoàn chỉnh
Mấy bạn trẻ cắt móng tay, cắt tóc của mình bỏ vào đèn hoa để đưa những điều không may mắn đi xa
Và cùng nhau thả xuống sông

Đèn hoa khổng lồ

Hẹn một ngày quay lại khám phá Phetchaburi, tôi sẽ đi Hua Hin.

Bill Balo
Bill Balohttps://billbalo.com
Mình là Bill, mọi người gọi mình là Bill Balo vì mình thích đi du lịch, và cụ thể hoá những chuyến đi du lịch thành các bài viết chia sẻ trải nghiệm trên trang blog này. Mình sống và làm việc ở Saigon, hân hạnh làm quen với tất cả mọi người.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

- Bill Balo's Partner -spot_img
- Bill Balo's Partner -spot_img
- Bill Balo's Partner -spot_img
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments