Tiếp tục hành trình, từ rừng quốc gia U Minh Hạ, chúng tôi lại lên xe để bon bon chạy ngược hướng về thành phố Cà Mau, đảo lên lại Hòn Đá Bạc ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Nếu đúng lộ trình theo thứ tự sẽ như thế này: Năm Căn – Hòn Đá Bạc – U Minh Hạ – Cà Mau. Nhưng vì hôm qua đã xác định ngủ ở rừng U Minh Hạ, nên cả bọn phải bỏ qua nhánh rẽ vào Hòn Đá Bạc để vào rừng U Minh cho kịp, nên sáng nay phải quay lại, sau đó mới về Cà Mau.
Thấy cột mốc số 0 là chụp hình =))
Hòn Đá Bạc ở Cà Mau là một cụm đảo lớn nhỏ nằm kề nhau, với diện tích khoảng 6,43 ha. Bao gồm: Hòn Ông Ngộ, Hòn Đá Lẻ và Hòn Đá Bạc. Hòn cao nhất chỉ cao khoảng 50 m so với mực nước biển. Hòn Đá Bạc lớn hơn cả, nên mọi người gọi chung nơi đây là Hòn Đá Bạc. Theo nhiều tài liệu ghi lại, Hòn Đá Bạc có niên đại khoảng 180 triệu năm (thuộc kỷ Jura giữa – Trung sinh). Truyền thuyết dân gian kể rằng hòn Đá Bạc xưa là chốn bồng lai tiên cảnh. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng ngày nay hòn Đá Bạc đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia và trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách ở vùng đất mũi Cà Mau.
Tại sao gọi là Hòn Đá Bạc thì cũng có nhiều câu chuyện, Bill kể cho các bạn nghe chứ các bạn cũng khó nghe được từ đâu lắm. Haha. Thuở xưa, tương truyền rằng Hòn Đá Bạc có nhiều đạo sĩ tu theo đạo giáo, những người này mặt toàn đồ trắng, tóc lại bạc như cước, nên người dân ở đất liền ra đảo, nhìn từ xa chỉ thấy một màu trắng nên gọi đây là Hòn Đá Bạc. Có người lại cho rằng do đá quanh Hòn có ánh bạc nên gọi là Hòn Đá Bạc.
Phía sau là Hòn Đá Bạc
Không biết hấp dẫn như thế nào, hay do cảm nhận của Bill không được như báo chí viết, chứ Bill vừa tới cổng vào Hòn Đá Bạc thì thấy nhếch nhách, xập xệ, rác bay tùm lum như một sân vận động bị bỏ hoang, lâu ngày không ai dọn dẹp. Người bán vé thì trùm khăn kín mặt vì trời quá nóng, mà ngồi trong cái quầy vé nhỏ xíu, trông rất buồn ngủ vì lâu lâu mới có vài người tới mua vé tới tham quan. Giá vé vào cổng Hòn Đá Bạc lúc mình đi là tháng 8/2015 là 25.000 một người.
Bill đi 8 người, một nửa muốn vào, một nửa không. Vì người bán vé trước khi bán còn bảo là trong đó chả có gì đâu, chỉ có cái Hòn Đá Bạc đi vòng vòng thôi à. Vậy là một nửa muốn vào thì mua vé vào, một nửa không muốn vào thì xách xe tiếp tục đi đâu đó xung quanh chụp ảnh, tìm hiểu thêm rồi hẹn nhau đi về Cà Mau. Bill thì nằm trong một nửa không muốn vào nên tiếp tục men theo con đường đất nhỏ, chạy xem có gì hay ho không, vừa đi chưa được 500m thì thấy một gia đình đang ngồi lặt lặt gì đó, thấy hay ho nên mò vào hỏi thăm. Thì ra là mọi người đang làm ruốc.
Ruốc ở đây không phải là thịt chà bông như người bắc hay gọi đâu nhé. Con ruốc là loài giáp xác 10 chân, dạng như con tôm nhỏ, chỉ lớn 1-4cm. Người trong Nam gọi “tép” nhỏ, người Hà Tĩnh gọi “moi”, người miền Trung gọi “khuyết”, người miền Tây gọi nó là ruốc.
Sau khi chia sẻ bài viết lên Facebook thì Bill tổng hợp thêm các cách mà mỗi vùng miền gọi con ruốc nè, haha, vùng các bạn gọi sao nữa thì comment nha. Cái này là chia sẻ thêm cho vui thôi nha.
– Mẹ Bill bảo là Hà Tĩnh gọi nó là con “xiếc”, ừ, thì giờ có chỗ Hà Tĩnh gọi “xiếc”, có chỗ gọi “moi” nha.
– FB Suri TD: Người nam vẫn gọi “ruốc”, vậy thì có chỗ gọi “tép” nhỏ, có chỗ vẫn gọi “ruốc”
– FB QTTA: Miền Trung cũng gọi “ruốc”, vậy thì có chỗ gọi là “khuyết”, có chỗ vẫn gọi “ruốc”
– FB Duyen T: Người Nha Trang cũng gọi là “ruốc”
– FB Tịnh T cung cấp nhiều thông tin hơn nè: Miền Nam Trung Bộ – Nha Trang cũng gọi “ruốc”, dùng để muối tươi đỏ đỏ ăn cơm vào mùa đông (biển động). Ngon vật vã, mùa thường nấu canh cải, đúc bánh căn, có thể rim khô với gia vị rồi phơi ăn nhâm nhi như cá khô.
Con ruốc tươi luộc, nấu canh rau, canh khoai tía, khoai môn nhiều lúc ngon ngọt hơn tép. Còn con ruốc khô như một loại thực phẩm “cứu sinh” người dân nghèo miền Trung. Khi mùa giông bão tới cũng là lúc ruốc khô đã yên vị từng bao trên dàn bếp, chợ búa khó khăn, xúc con ruốc khô ra nấu với mồng tơi, đọt khoai sau hè nhà. Bào vài trái dưa leo, đâm nước mắm tỏi ớt, rang sơ con ruốc khô với ít mỡ; tất cả bóp chung lại thành món gỏi mát miệng, mặn mòi mà ngon lạ. Còn người ở Hòn Đá Bạc thì phơi khô con ruốc, được các thương lái xuất khẩu đi nhiều nước, là một trong những nghề làm gia tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.
Sau khi thu hoạch ruốc về từ biển, người ngư dân phải sàng lọc cá tạp trước khi đem phơi khô ngoài nắng. Phơi đủ khô, về đổ ra rồi tiếp tục sàng lọc cá tạp, cua tạp thêm một lần nữa là đem đi bán cho thương lái thôi. Giá ruốc khô bán tận nơi hình như là 25.000 – 30.000/kg. Còn ruốc tươi thì giá rẻ hơn, nên đa số mọi người đều tranh thủ phơi khô ruốc rồi đem đi bán để tăng lợi nhuận.
Đến tay các thương lái thì họ nhuộm thêm màu cho con ruốc có mùi, có màu rồi đem bán cho khách hàng và xuất khẩu đi nước ngoài, chứ con ruốc sau khi phơi khô mà Bill nhìn ở Hòn Đá Bạc thì trắng nhạch à, không có màu đỏ như mình thường nấu ăn.
Ruốc về được phơi trên những tấm lưới như thế này
Chờ khô rồi thu hoạch
Men theo con đường làm ruốc của ngư dân, thì nhóm rong chơi của Bill lần ra được con đường nhỏ vào khu du lịch Hòn Đá Bạc, chả phải mua vé gì. Vậy là vào chụp choẹt một tí rồi ra chứ cũng không thấy gì hấp dẫn. Ngoài cây cầu dài nối liền từ đất liền ra Hòn Đá Bạc cũng có một chút độc đáo giữa biển khơi. Sau khi từ Hòn Đá Bạc trở về nhà của những người ngư dân làm ruốc, chúng tôi lại được kéo vào một bữa nhậu dân giã của người Cà Mau, một chút rượi, một chút tôm, tép từ biển cả mà ấm cả lòng. Lời bài hát Áo Mới Cà Mau lại được ngân lên bởi một chị trong đoàn, cứ thế theo chúng tôi đến hết cuộc hành trình. Chia tay Hòn Đá Bạc, chia tay những người ngư dân tốt bụng, chia tay những con người Cà Mau mà chúng tôi có duyên được gặp – những con người đã làm nên một hành trình Cà Mau đầy cảm xúc.
Chiếc cầu dài nối từ đất liền tới Hòn Đá Bạc băng ngang giữa biển khơi.
Giờ nhìn lại vẫn còn thèm, đồ tươi nguyên, không chất bảo quản.
Mỗi nơi có 1 nghề đặc biệt
Giờ nhìn vẫn còn thèm nha anh =))))