Được hôm hứng thú đi xem phim thì trời mưa tầm tã, mưa như bao giờ được mưa luôn. Đường thì tắt cứng, đông nghẹt, người xe cứ đua nhau bon chen, xe lớn, xe bé, ai cũng tranh thủ về sớm vì chẳng ai muốn đứng dưới trời mưa tầm tã như vậy. Đã vậy, Maximus của mình còn bị đứng máy, không chịu nổ, dắt đến chỗ sữa xe thì bị đuổi như đuổi tà, đành phải gửi xe máy ở quán cafe gần đó, rồi đi xe ôm tiếp đến chỗ xem phim. Ta nói chưa bao gờ đi xem phim mà cực như vậy, nhưng mà lỡ rồi, trong lòng thầm nghĩ, tới nơi mà xem bộ phim không ra hồn thì coi như toi mất một buổi tối ấm áp. Nhưng mà coi xong phim thì cũng thấy gỡ gạc được phần nào, dù chưa hẳn là sướng như khi lên đỉnh Everest. Giờ cũng Review phim Everest cho những ai có ý định thưởng thức phim này.
—
Ngọn núi huyền thoại Everest, đỉnh núi cao nhất thế giới với độ cao 8.848m so với mực nước biển là một niềm khát khao chinh phục với bất cứ nhà leo núi nào, (nói là nhà leo núi nha, chứ dân phượt thì xem xong phim chắc không bao giờ mơ ước sẽ được đặt chân lên đỉnh núi đâu). Rất nhiều người đã leo lên đỉnh núi, nhưng cũng không ít trong số đó vì đỉnh núi này mà mãi mãi ra đi. Đây là một bộ phim mà nghe tựa đề thì với một người như Bill sẽ rất hứng thú, xem xong là muốn Review phim Everest ngay và luôn, chỉ cần nhìn thấy hình ảnh của Everest thôi là đã thôi thúc muốn đi xem rồi. Nói đến Everest người ta sẽ nghĩ tới sự hùng vĩ và kiêu hãnh của thiên nhiên, phong cảnh đẹp ngất ngây của nơi nguy hiểm nhất trái đất, nhưng xem xong bộ phim người ta cũng sẽ nhận ra rằng thiên nhiên cũng hung bạo và có quy luật riêng của nó. Đặc biệt là ở Everest, sự quyết định là ở ngọn núi, chứ không phải nằm ở những người đi chinh phục nó.
Câu chuyện trong bộ phim Everest
Dựa theo câu chuyện có thật kể về hành trình leo núi Everest của 2 nhóm leo núi nghiệp dư được dẫn dắt bởi 2 người trưởng đoàn chuyên nghiệp là Rob Hall – Trưởng đoàn thám hiểm Adventure Consultants New Zealand và Scott Fischer – Trưởng nhóm leo núi Mountain Madness đến từ Seattle. Hành trình vốn được tính toán hết sức cẩn trọng này bất ngờ gặp phải vô vàn khó khăn, thử thách cũng như những hiểm nguy chết người bởi một trận bão tuyết khủng khiếp. Trong hành trình, có những mâu thuẫn xảy ra giữa 2 nhóm leo núi, nhưng không quá gay gắt khiến những nút thắt được mở tương đối dễ làm cho bộ phim xảy ra khá nhẹ nhàng. Nếu ai đó, yêu cầu một sự nguy hiểm đến nghẹt thở thì trong bộ phim dường như không thể hiện điều đó. Hay một góc máy nào đó, thật sự làm cho diễn biến trở nên cực kì gay cấn cũng không có luôn.
Phim Everest sẽ khiến bạn xúc động nhiều hơn là việc trải nghiệm một hành trình leo núi vất vả và nguy hiểm. Vì cái sự vất vả, nguy hiểm dường như chỉ làm nền cho mỗi nhân vật trở về thật nhất với bản ngã của mình. Ở đó, các thành viên bắt đầu sợ, nỗi sợ ấy nếu không được chia sẻ với gia đình, người thân, thì sẽ được chia sẻ với những người bạn đồng hành. Những lời động viên, những cái ôm sẽ làm cho ý chí mãnh liệt hơn đánh lùi nỗi sợ hãi để bước đi. Đó không hẳn là leo lên đỉnh núi; đó còn là câu chuyện về tính cộng đồng, sự kết nối giữa các nhà leo núi khi họ tồn tại cùng với nhau trong một không gian, một thời gian và cùng một mục tiêu. Đây là câu chuyện về tính nhẫn nại, ý chí kiên cường và khát vọng lớn của con người, câu chuyện về những người sống sót dũng cảm và các nhà thám hiểm bị mất tích. Đây là một bộ phim vinh danh đúng nghĩa những con người đã ra đi trong cái ngày lịch sử hôm ấy, ngày 10 tháng 5 năm 1996.
Xem phim Everest xong, có thể sẽ không khiến các bạn hình thành ước mơ chinh phục đỉnh Everest, nhưng sẽ khiến các bạn nung nấu ước mơ một lần tới Nepal, nơi ngọn núi này ngự trị. Hình ảnh về con người và cuộc sống Nepal chỉ được khắc hoạ một chút ở khoảng đầu phim, nên các bạn nhớ đến xem phim đúng giờ, vì nếu bỏ qua những hình ảnh này, xem như các bạn đã bỏ mất 20% giá trị hình ảnh mà bộ phim mang lại. Chiếc cầu trong Poster phim Everest chỉ thể hiện được một phần độ nguy hiểm của hành trình, tuy nhiên đó không phải là chiếc cầu đẹp nhất trong bộ phim. Chiếc cầu đẹp nhất trong bộ phim có lẽ là chiếc cầu dây gỗ, phất phơ những lá cờ xanh đỏ hai bên, bắt dài giữa 2 vách núi với nhau. Với Bill, thì đó cũng là góc quay Bill thích nhất trong bộ phim về mặt hình ảnh.
Xem phim cùng 2 người Việt Nam chinh phục thành công đỉnh Everest
2 người Việt Nam chinh phục thành công đỉnh núi Everest
Sau khi xem phim Everest xong thì Bill chạy qua hỏi ngay 2 anh đã từng tham gia vào hành trình chinh phục đỉnh Everest thành công. May mắn là hôm buổi công chiếu 2 anh có xuất hiện và rất thân thiện nán lại sau bộ phim để chụp hình cùng với mọi người. Cũng có chút tư liệu để Review phim Everest theo một góc nhìn của người trong cuộc, dành cho các bạn đang phân vân có nên đi xem phim Everest hay không?
– Bộ phim tái hiện bao nhiêu phần trăm sự thật so với hành trình chinh phục đỉnh Everest của các anh?
– 90%
Những gì các anh từng trải qua được thể hiện gần như 90% trong khuôn hình. Một câu chuyện có thật, tái hiện gần như là hoàn hảo. Giống như lời đạo diễn Kormákur chia sẻ: “Tôi muốn làm bộ phim này một cách chân thực nhất có thể. Tôi muốn đưa mọi người bước vào hành trình khám phá đỉnh núi Everest với một cách nhìn hoàn toàn khác, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các nhân vật. Đây là điều trước nay chưa một hãng phim nào thể hiện được. Everest là hiện thân của tham vọng, con người cần có sự cân bằng giữa tham vọng và cuộc sống gia đình”.
– Những cây cầu như trên Poster phim Everest là có thật không?
– Thực tế, khoảng gần 50 cây cầu như vậy.
Bạn nào leo Fansipan rồi chắc có lẽ hình dung ra được, như thế nào là cầu, như thế nào là dây cố định rồi heng. Nhưng những cây cầu trong bộ phim còn nguy hiểm hơn gấp vạn lần, khó khăn và thời tiết thì không thể nào so sánh được. Quá khập khiễng luôn.
– Thế anh thấy chi tiết nào là chưa thật sự thuyết phục?
– Đó là hình ảnh của những người leo núi. Khuôn mặt ấy vẫn còn bình thường quá. Sự thật thì những khuôn mặt khi leo núi Everest còn kinh khủng hơn nhiều. Chúng tôi đã phải từng bốc từng lớp da mặt. Có những đoạn không thể ăn uống trong vòng 5 ngày 5 đêm.
Thật kinh khủng, 5 ngày 5 đêm không ăn, mà lại phải leo núi trong thời tiết khắc nghiệt thì thật là đáng khâm phục và ngưỡng mộ. Điều này không dành cho những người bình thường. Độ cao 8.848m của đỉnh núi Everest là độ cao hoạt động dành cho máy bay Boeing 747. Một người bình thường chẳng có lý do gì để làm những việc điên rồ ở độ cao ấy cả. Vậy mà vẫn có những người không bình thường vẫn đang nuôi ước mơ một lần chinh phục đỉnh Everest.
Bộ phim vinh danh những con người tuyệt vời
Thảm hoạ bão tuyết Everest năm 1996 đã lấy đi sinh mạng của rất nhiều con người tuyệt vời. Ngọn núi đáng sợ này đã thu hút sự hiếu kỳ của hàng ngàn nhà leo núi gan dạ. Họ coi thử thách vĩ đại nhất là leo lên tới đỉnh núi. Sự kiện xảy ra vào tháng 5/1996 là thời khắc chết chóc nhất trong lịch sử leo núi của Everest. Truyền thông thế giới bị chấn động bởi câu chuyện về sức chịu đựng bền bỉ của con người và nó đã trở thành cảm hứng cho nhiều cuốn sách, phim tài liệu bán chạy. Bill sẽ review một số nhân vật trong bộ phim Everest để các bạn có được góc nhìn thực tế hơn về những con người này.
Rob Hall.
Năm 1980, anh đã leo lên đỉnh núi Ama Dablam (độ cao 6.856 m) thuộc dãy Himalaya khi mới 19 tuổi. Năm 1990, anh chinh phục đỉnh Everest cùng nhóm bạn đồng hành là Gary Ball và Peter, con trai của nhà leo núi huyền thoại Edmund Hillary. Rob và Gary đã đứng ra thành lập quỹ tài trợ cho chuyến thám hiểu toàn cầu có tên thử thách “Seven Summits” (chinh phục 7 đỉnh núi cao nhất ở 7 lục địa). Họ đặt mục tiêu hoàn thành cuộc hành trình trong vòng 7 tháng. Họ đã cùng nhau thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hướng dẫn viên leo núi quốc tế có tên gọi Adventure Consultants vào năm 1992.
Năm 1996, Rob đã thành công trong việc dẫn dắt 39 nhà leo núi chinh phục đỉnh Everest. Mặc dù chi phí cho mỗi người muốn chinh phục đỉnh cao là không hề nhỏ, khoảng 10.000 USD, nhưng sự tận tụy và phương châm an toàn là trên hết của Rob đã thu hút rất nhiều nhà leo núi đến từ khắp nơi trên thế giới.
Scott Fischer.
Bắt đầu từ năm 1970, Scott đã leo lên các đỉnh núi cao nhất, hiểm trở nhất thế giới và truyền lại nguồn cảm hứng cho nhiều người khác. Là một hướng dẫn viên leo núi trong hơn 25 năm, Scott hiểu rằng, khám phá và thử thách của leo núi có thể cướp đi sinh mạng con người.
Năm 1984, Scott thành lập Mountain Madness, một công ty cung cấp dịch vụ hướng dẫn cho các nhà leo núi muốn chinh phục các đỉnh núi cao nhất thế giới. Anh đã thực hiện một chuyến thám hiểm đỉnh Everest thành công vào năm 1994. Tháng 5/1996 đánh dấu chuyến thám hiểm thương mại đầu tiên của anh trên cương vị dẫn đầu đoàn thám hiểm chinh phục đỉnh núi này.
Beck Weathers.
Một bác sĩ đến từ Texas, sống sót nhưng mất đi cánh tay phải, những ngón tay trái và mũi vì bị hoại tử. Anh cũng là tác giả của một cuốn sách nói về hành trình này.
Doug Hansen.
Một người đưa thư, một nhân viên bình thường của một bưu điện Mỹ. Doug đã thực hiện chuyến thám hiểm đỉnh Everest năm 1995 với Rob, nhưng anh buộc phải quay trở lại khi chỉ cách đỉnh núi khoảng vài trăm mét. Năm 1996, anh trở lại với mong muốn hoàn thành mục tiêu chinh phục đỉnh núi này.
Krakauer, một nhà leo núi và là một nhà văn, nhà báo tài năng, tham gia chuyến thám hiểm của Adventure Consultants để viết bài cho tạp chí Outside, đã lên đến đỉnh núi vào tháng 5 định mệnh đó. 5 tuần sau, anh đã thuật lại sự kiện trên tạp chí và viết thành sách với tựa đề “Into Thin Air”. Sau tấn thảm kịch đó, Krakauer công khai chỉ trích vấn đề thương mại hóa đỉnh Everest.
Jon Krakauer.
Một nhà leo núi và là một nhà văn, nhà báo tài năng, tham gia chuyến thám hiểm của Adventure Consultants để viết bài cho tạp chí Outside, đã lên đến đỉnh núi vào tháng 5 định mệnh đó. 5 tuần sau, anh đã thuật lại sự kiện trên tạp chí và viết thành sách với tựa đề “Into Thin Air”. Sau tấn thảm kịch đó, Jon công khai chỉ trích vấn đề thương mại hóa đỉnh Everest.
Yasuko Namba.
Đây là nhân vật từng nổi tiếng ở xứ mặt trời mọc khi trở thành người phụ nữ Nhật thứ hai chinh phục tất cả 7 đỉnh núi, trong đó có Everest, nơi khiến cô bỏ mạng vào năm 1996. Namba là nữ doanh nhân ở Tokyo, làm việc cho FedEx, nhưng sở thích leo núi đã mang cô đi khắp nơi trên thế giới. Năm 47 tuổi, cô là người phụ nữ nhiều tuổi nhất lên đỉnh Everest (kỷ lục này sau đó bị phá bởi nhà leo núi người Ba Lan Anna Czerwinska, lúc đó 50 tuổi).
PHIM CÔNG CHIẾU TẠI CÁC RẠP TRÊN TOÀN QUỐC VÀO NGÀY 18.09.2015.
Nói chung là nên đi xem phim Everest ở rạp. Nếu các bạn muốn thấy độ hoành tráng của núi Everest thì nên xem định dạng 3D, ai xem phim mà không bị đau mắt và muốn hoành tráng hơn, hiện thực hơn, thì có thể xem định dạng IMAX, còn không coi định dạng 2D cũng ukie. Vậy nheng ^^
>>> Những trải nghiệm của Jason Clarke khi vào vai Rob Hall | Xem tại đây
>>> Trailer | Xem tại đây.
Cám ơn bạn đã viết 1 bài rất hay và ý nghĩa về bộ phim Everest. 1 bộ phim tuyệt vời và chân thật nhất về mặt cảm xúc và hình ảnh. Thú thật là mình đã khóc khi xem đến phần cuối của bộ phim, 1 điều mà mình không thể kiểm soát được dù đã xem rất nhiều bộ phim bom tấn .
Sở thích của mình cũng là đi du lịch và chơi các môn thể thao nguy hiểm cảm giác mạnh trong đó có leo núi, nhưng khi xem EVEREST xong mình phải suy nghĩ thật kỹ lại điều đó.
Cám ơn bài viết của bạn, mong có dịp sẽ làm quen và cung chia sẻ sở thích.