Trước khi qua Brunei thì Bill có liên hệ trước với đại sứ quán Việt Nam từ giới thiệu của chị Hoa, cũng là người đã giới thiệu Bill với anh Hùng mà Bill đã nhắc ở bài trước. Nên việc tìm hiểu các thông tin về cuộc sống sinh hoạt và làm việc của người Việt ở Brunei khá dễ dàng, không những thế Bill còn sắp xếp được một cuộc hẹn với các anh ở đại sứ quán để qua thăm mọi người và có dịp “làm phiền” trực tiếp, may mắn là các anh đồng ý.
Đại sứ quán cũng là nơi mà các anh chị sinh viên cũng hay lui tới, một phần vì công việc giấy tờ, một phần vì giúp đại sứ quán tổ chức các chương trình dành cho cộng đồng người Việt ở đây, có khi còn ở lại nói chuyện về các vấn đề về quốc gia, quốc tế, chủ yếu là người Việt ở Brunei không nhiều, mọi người lại sống rất tình cảm và chân thành nên mới gần gũi được như thế. Kể cả một thằng chân ướt, chân ráo mới qua như mình mà cũng được mọi người xem như anh em trong nhà giúp đỡ rất nhiệt tình, sáng nay, anh Hùng còn chở mình qua đại sứ quán để gặp anh Thanh – người gần gũi nhất với cộng đồng sinh viên và người lao động ở đây, là tuỳ viên ở đại sứ quán.
Rẽ vào đại sứ quán Việt Nam
Như mình đã nói thì người Việt ở Brunei không nhiều nên cơ cấu ở đại sứ quán Việt Nam tại Brunei cũng chỉ có 3 người là bác đại sứ, anh tham tán và anh tuỳ viên. Bình thường các cấp bậc đầy đủ của một đại sứ quán sẽ là: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền > Đại sứ > Công sứ > Tham tán công sứ > Tham tán > Bí thư thứ nhất > Bí thư thứ hai > Bí thư thứ ba > Tuỳ viên. Tuỳ theo mỗi quốc gia mà đại sứ quán ở Việt Nam sẽ có cơ cấu và số lượng nhân sự khác nhau, tuy nhiên vẫn đảm bảo được nhiệm vụ tại nước bạn. Mỗi thành viên của đại sứ quán khi qua nước ngoài làm việc được dẫn cả vợ con theo, và người vợ cũng sẽ hưởng một đầu lương giống chồng, dù không cần phải trực tiếp làm việc trong đại sứ quán. Con cái sinh ra được tạo điều kiện để học tập ở nước sở tại. Về nhiệm kì mỗi người sẽ công tác 3 năm và có thể được kéo dài trong điều kiện cần thiết. Như anh Thanh chia sẻ: “Ở Brunei buồn nên không ai muốn đi hết, anh còn trẻ, muốn cống hiến và tích luỹ kinh nghiệm nên xung phong đi đó chứ; đi làm việc ở đại sứ quán cũng tuỳ quốc gia, có quốc gia ai cũng muốn đi, giành nhau mà đi, còn có nơi thì không. Dù mình hết nhiệm kì mà chưa có người muốn thay thế thì mình cũng phải ở lại làm thêm, chờ đến khi có người mới”. Anh nói thêm, công việc là rất nhiều, người thì ít, nên muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phải làm ngày làm đêm mới xong được việc, ngoài công việc của một tuỳ viên, anh còn phải làm cả sổ sách kế toán… nên có hôm phải làm việc đến tận khuya, nhưng mình vẫn thấy nụ cười của anh lúc nào cũng trên môi, trông có vẻ gầy gầy, hiền hiền nhưng rất quyết đoán và gọn gàng trong công việc.
Anh Thanh
Câu chuyện trôi qua mỗi lúc càng thú vị, dù bận nhưng anh vẫn dành nhiều thời gian để trả lời cho các thắc mắc của Bill và dẫn Bill đi tham quan cơ ngơi của đại sứ quán. Nhỏ, ấm cúng và rất sang trọng. Sau đó mọi người về nhà chung dành cho nhân viên đại sứ ăn cơm trưa. Ở Brunei, các nhân viên đại sứ quán được sắp xếp sống và sinh hoạt trong một ngôi nhà chung cách trụ sở đại sứ quán một phút đi bộ, rất gần. Trong ngôi nhà này có vợ chồng anh tham tán và anh Thanh sinh sống, ngoài ra còn có bác lái xe và cô quản gia, tất cả mọi người đều thuộc biên chế của đại sứ quán và sống với nhau như một gia đình. Bữa cơm thân mật đầu tiên của gia đình anh Thanh được nấu theo phong cách của cả tây và ta rất đặc biệt và ngon. Lúc Bill qua thì vợ anh Thanh còn đang mang bầu, khi bài này được viết thì anh Thanh đã chào đón đứa con đầu lòng của mình. Chúc mừng anh chị nhé!
Ngôi nhà chung của các nhân viên đại sứ quán
Bữa ăn kết hợp phong cách Tây – Ta
Về nhà nấu cơm, ăn uống chưa nghỉ ngơi được bao lâu thì anh lại phải vào đại sứ quán làm việc. Thế là anh Hùng về trước, Bill ở lại cùng anh Thanh để trải nghiệm các công việc ở đại sứ quán, chiều nay có buổi ra mắt của bà đại sứ ở nước nào đó mới nhậm chức đến thăm đại sứ quán Việt Nam nên mọi công tác được anh chuẩn bị phải được anh lo liệu chu đáo. Ngoài công việc đối ngoại, thì đại sứ quán còn hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nên hằng ngày, những người như anh Thanh phải tiếp nhận rất nhiều những công việc liên quan đến công dân Việt Nam ở Brunei. Nhiều khi phục vụ dân không hết lại còn bị dân chửi vì những lỗi không phải của mình. Ví dụ như cấp lại hộ chiếu hết hạn, đại sứ quán ở Việt Nam không có máy in hộ chiếu, thế là phải gửi qua đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia. Đến ngày hẹn mà bên Malaysia chưa gửi về thì dân lại trách mấy ông ở đại sứ quán Việt Nam tại Brunei. Rồi có trường hợp như đàn ông Brunei lấy vợ Việt Nam, bà vợ đẻ được đứa con rồi ôm về Việt Nam, thì cái người đàn ông Brunei đó cũng gọi lên đại sứ quán để giải quyết…
Sau khi tiếp đoàn khách từ nước ngoài, Bill có may mắn gặp trực tiếp bác đại sứ và được bác mời nói chuyện tại ghế dành cho các nguyên thủ quốc gia. Câu đầu tiên mà bác hỏi làm Bill nhớ nhất là:
– Ở Việt Nam ông làm cái gì?
– Dạ cháu làm cho một công ty truyền thông.
– Ông có đi làm thêm cái gì không?
– Dạ có.
– Đây là vấn nạn bất đắc dĩ của ta, làm cho chúng ta không bao giờ có chuyên gia là vậy. Làm gì cũng làm cho tốt một việc là được. Làm hai ba việc rồi chẳng tập trung được vào cái gì.
Bác đại sứ hỏi tiếp:
– Ông có biết gì về chính trị không?
– Dạ có, nhưng vẫn ở một góc độ nào đó rất hạn chế.
– Chính trị là gì? Chính trị là của các ông. Các ông sau này là những người làm chủ đất nước thì phải biết chính trị để còn bầu ra một người để lãnh đạo đất nước cho các ông.
…
Một sự sụp đổ về tinh thần trong tầng lớp trẻ là một sự sụp đổ rất nghiêm trọng. Nền kinh tế yếu kém, chỉ cần một người giỏi là kéo lên được, nhưng tinh thần thì không bao giờ.
…
Ở Brunei, có nhiều cái dở nhưng cũng có cái hay mà ta còn lâu mới học được.
Cái hay thứ nhất là sự khiêm nhường: người Brunei ra đường rất từ tốn, ai cũng nhẹ nhàng, không tranh giành bất cứ thứ gì. Ông có thấy người ta chạy xe ngoài đường không, không bao giờ có một tiếng còi. Kiểu gì cũng nhường nhau hết.
Cái hay thứ hai là sự giản dị, giản dị từ cách ăn đến cách mặc. Nhà vua là người quyền lực nhất, nhưng một bữa ăn thiết đãi dân chúng của nhà vua cũng giống như một bữa ăn tiếp đãi tổng thống. Quan chức cao cấp gì cũng mời về nhà ăn. Vấn đề người ta thấy thế là được. Nhà thờ hồi giáo nhìn rất nguy nga, nhưng bên trong lại cực kì đơn giản. Nếu mình học được, Việt Nam mình học được thì hằng năm cũng tiết kiệm được hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Thứ ba là tính cầu thị. Người Brunei không bằng thanh niên Việt Nam, nhưng nó có tính cầu thị. Cái gì nó cũng mời chuyên gia tới, rồi học, học rồi áp dụng từ chuyên gia. Còn mình thì hay tự nghĩ ra nên nghĩ mình là to.
…
Cuộc nói chuyện cứ thế kéo dài, kéo dài mà không biết khi nào sẽ có sự kết thúc nếu anh Thanh không cố tình cắt ngang để giải cứu cho tôi. Cuối cùng bác đại sứ nhấn mạnh: “Tử tế, làm gì cũng phải tử tế, ở đâu cũng vậy. Làm việc cho đàng hoàng, minh bạc thì mình sẽ có rất nhiều. Ngược lại thì sẽ không được gì cả”.
Bác Giang đại sứ
Lúc này đã là 5h chiều, chậm hơn kế hoạch so với một tiếng. Vậy nên vợ chồng anh Thanh chỉ có thể chở tôi đến công viên rừng nằm trong thành phố, nơi mọi người dân Brunei vẫn thường đến đây tập thể dục vào mỗi buổi sáng và buổi chiều. Không ngờ Brunei nhỏ như vậy mà được quy hoạch rất tốt, môi trường sống cực kì gần gũi với thiên nhiên.
Trước cung điện nhà vua
Vợ chồng anh Thanh
Thử thách khả năng leo núi nhân tạo mà không cần đến đồ bảo hộ
Rất khó khăn…
…nhưng đây mới là sự thật.
Về đến nhà, tôi lại gặp bác đại sứ cùng với các anh lao động người Việt Nam qua chơi thể thao. Thế là cũng nhảy vào chơi vài hiệp cho đến tối sẫm, mồ hôi nhễ nhại mới vào ăn cơm tối cùng gia đình anh Thanh. Xong xuôi hết, anh lại chở mình về kí túc xá UBD để kết thúc một ngày thật ý nghĩa.
Hi các bạn,
Tuần này mình đi Brunei khảo sát thị trường, mong các bạn giúp đỡ hoặc giới thiệu người Việt tại Brunei làm hướng dẫn viên hoặc thông dịch cho mình. 06/01 – 08/01/2017
Cảm ơn các bạn ! Chúc các bạn một năm mới thật nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và thành công !
Mình tên Sinh
Tel. +84 933548939
Email. sinhnguyen.hcmc@gmail.com
@Nguyen Van Sinh: Mình là blogger, không làm dịch vụ nha bạn. Cảm ơn bạn