27.8 C
Ho Chi Minh City
Sunday, September 8, 2024
spot_img
HomeĐông Nam ÁBruneiLàng nổi Kampong Ayer

Làng nổi Kampong Ayer

Mấy hôm rồi tới Brunei chỉ luẩn quẩn đi chơi ở vòng ngoài chứ chưa trực tiếp tấn công vào trung tâm. Lí do là để mọi người sắp xếp cùng nhau đi chơi một bữa, vì anh chị du học sinh qua đây chăm lo học hành quá nên chưa đi đâu chơi nhiều, haha, với cả tâm lý ở 2, 3 năm thì khi nào đi chẳng được, cho nên rủ được mọi người đi chung với nhau là một chuyện cực kì khó khăn với Bill. Và xém tí nữa thì chuyến đi tới làng nổi Kampong Ayer đã không thành, khi mà sáng sớm trời chuyển mây âm u thì có anh phải lên Lab, có anh thì quên là hôm nay phải gặp giáo sư… cuối cùng thì chỉ có mỗi chị Linh và Bill đi, với lời hẹn từ các anh là trưa về ăn cơm rồi đi.

Thế là hai chị em tranh thủ đi thăm các nhà thờ hồi giáo trong buổi sáng. Để biết và nhớ được tên của nhà thờ hồi giáo ở Brunei thì không phải là dễ, cách đặt tên nó không phải như mấy ngôi chùa ở Thái Lan như là Wat Pho hay là Wat Arun… mà nó thường được đặt theo tên của nhà vua trong thời kì xây dựng để kỷ niệm ngày gì đó của Vua hay chỉ đơn giản là đề cao sự tôn sùng và kính trọng tuyệt đối dành cho Vua ở quốc gia với nền quân chủ chuyên chế này.

Để dễ hiểu thì các bạn có thể hiểu như thế này: Nhà nước nào có Vua đứng đầu thì gọi là “Quân chủ”, còn không có vua thì gọi là “Cộng hoà”. Nhà nước quân chủ nào cai trị theo hiến pháp, quyền lực nằm trong tay quốc hội thì gọi là “Quân chủ lập hiến”, nếu không cai trị theo hiến pháp mà mọi quyền lực đều nằm vào tay vua thì gọi là “Quân chủ chuyên chế”. Và Brunei là một quốc gia quân chủ chuyên chế, tất cả quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) đều nằm trong tay quốc vương (hiện nay là Quốc Vương Haji Hassanal Bolkiah, nối ngôi vua cha từ năm 1967). Ở Vương quốc Hồi giáo Brunei, quốc vương thực hiện sự cai trị tuyệt đối đất nước; hiến pháp chỉ là một công cụ để nhà vua thực hiện quyền lực toàn diện (chi phối cả lập pháp, hành pháp, tư pháp) vô giới hạn của mình. Vua đứng đầu cả nhà nước và giáo hội (tức là nắm cả thế quyền và thần quyền). Ông vua vừa là nguyên thủ quốc gia (như chủ tịch nước của nước mình) kiêm luôn chức vụ thủ tướng đứng đầu chính phủ, kiêm cả chức bộ trưởng Quốc phòng. Em trai của quốc vương là Hoàng tử Mohamed làm bộ trưởng Ngoại giao và một em trai khác của quốc vương là Hoàng tử Jefri làm bộ trưởng Tài chính… Ở nước này không có Quốc hội đại diện nhân dân để làm luật mà chỉ có một hội đồng lập pháp (Legislative Council) với các thành viên đều do vua bổ nhiệm. Hội đồng lập pháp cũng như hội đồng bộ trưởng và một số hội đồng khác do vua lập ra với chức năng giúp việc và tư vấn cho vua; ý kiến của các hội đồng này không có tính bắt buộc đối với vua; vua muốn bãi nhiệm họ lúc nào tùy ý; vua muốn sửa đổi hiến pháp lúc nào, điều nào cũng được… Nói thế để các bạn hiểu là Vua ở Brunei thì to đến thế nào, lệnh vua không cần kí, đóng dấu, chỉ cần nói là được thực hiện ngay tức thì, kể cả ban cái chết cho một ai đó.

Quay lại các nhà thờ hồi giáo. Bạn còn nhớ cái tên ông Vua đương thời mà mình vừa nhắc không? Làm sao nhớ nổi, thấy chưa. Nơi mình vào thăm qua đầu tiên là: Thánh đường hồi giáo Jame’Asr Hassanil Bolkiah

Thánh đường hồi giáo Jame’Asr Hassanil Bolkiah được xây dựng để kỷ niệm 25 năm ngày quốc vương Hassanal Bolkiah lên ngôi. Kiến trúc tinh tế và nổi bật nhất phải kể đến là những mái vòm bằng vàng ròng làm cho nhà thờ luôn nổi bật trên nền trời, bất kể là ngày hay đêm. Xung quanh Thánh đường, những đài phun nước và khu vườn xanh mát được xếp đặt xen kẽ nhau một cách khéo léo, tạo nên một khung cảnh bình yên. Bạn có thể chọn một chỗ ngồi bất kỳ trong khuôn viên Thánh đường, ngắm nhìn mây trắng lảng bảng trôi qua tháp Thánh đường và những đàn chim vừa thủng thẳng kiếm mồi vừa hót ríu rít. Từ bên trong, tiếng cầu nguyện vang vọng. Tất cả tạo nên một khung cảnh huyền ảo đậm màu sắc tôn giáo.

Ngày hôm đó Bill đến là thứ năm, thánh đường đóng cửa để lau chùi nên không cho khách du lịch đi vào bên trong để thăm quan, mà chỉ có thể đi được khu bên ngoài. Chụp hình, chụp ảnh vớ vẩn. Ở Brunei, ngày cầu nguyện chung là ngày thứ sáu, nếu không đi cầu nguyện vào ngày này sẽ bị phạt tiền hoặc bỏ tù theo đạo luật Sharia, được áp dụng toàn quốc. Vì vậy mà vào thứ năm, tất cả nhân viên trong nhà thờ phải lau chùi từng bậc thang, từng bức tường, cho đến khi không còn một hạt bụi để chào đón hàng nghìn người tới thánh đường vào trưa thứ sáu để cầu nguyện.

IMG_8105 copyChị Linh

Sau khi chơi xung quanh Jame’Asr Hassanil Bolkiah. Hai chị em quay về cùng mọi người đi làng nổi Kampong Ayer như đã hẹn lúc ban đầu. Thế nhưng cũng chỉ có anh Hùng, Hà, và lôi kéo thêm được anh Mỹ tham gia vào hội để đi. Trong đám thì chỉ có chị Linh là đi rồi, còn lại tất cả mới chỉ là lần đầu tiên.

Làng nổi Kampong Ayer ở Brunei được biết tới như là làng nổi lớn nhất thế giới. Đây là nơi tập trung của hơn 30.000 cư dân đang sinh sống một cách nhàn nhã và xa rời cuộc sống đánh bắt. Đó là do cư dân làng nổi Kampong Ayer được nhà nước “chăm bẵm” khá tốt nhờ vào nguồn thu lớn từ dầu lửa. Mặt khác, họ còn được hưởng nhiều dịch vụ miễn phí từ nhà nước như giáo dục, y tế, người già được hưởng trợ cấp. Làng nổi Kampong Ayer được chu cấp đầy đủ với cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, thánh đường…Vậy nên dân làng nổi sống khá thong dong, rất nhiều người trong làng hàng ngày vào đất liền làm việc trong các công sở.

Hệ thống ống nước dẫn tới các hộ dân

Thánh đường trên làng nổi

Một cây xăng được xây dựng giữa sông, khá xa khu dân cư, người đàn ông sau khi đổ xăng thì tự động bỏ tiền vào một cái can để được kéo lên.

Tranh thủ tự sướng tí.

Kiến trúc ở làng nổi Kampong Ayer cũng có nhiều nét rất hay, các ngôi nhà trong làng kết nối chặt chẽ với nhau bởi hệ thống đường đi bằng gỗ. Ước tính có khoảng 50km đường bằng gỗ nối kết trong làng và giữa các làng với nhau. Mọi ngôi nhà và các công trình công cộng trong làng đều được làm bằng gỗ đước, một trong những loại gỗ đặc biệt trên đảo Boneo. Nhà cửa nơi đây đều có khoảng sân rộng để trồng hoa và cây cảnh, được dựng cao hơn mặt nước khoảng 2m. Mặt tiền từng ngôi nhà hướng ra con đường gỗ trông mảnh mai nhưng vững chãi và sạch sẽ.

Tuy sống trên sông nước nhưng hầu như gia đình nào cũng có ôtô và họ để ở bãi xe gần nhất trên đất liền. Phía sau mỗi căn nhà đều có bến thuyền, hàng ngày họ đón “taxi nước” (loại thuyền gắn máy) vào bờ và lấy xe đi làm. Nghe nói có đến hàng trăm chiếc “taxi nước” hoạt động liên tục phục vụ việc di chuyển của cư dân làng nổi Kampong Ayer, trong khi trên đất liền số taxi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Taxi nước

Và nghề lái “taxi nước” cũng là một cách để người dân ở làng nổi Kampong Ayer kiếm thêm thu nhập, như chúng tôi đi tham quan vòng quanh làng nổi bằng phương tiện này hết 15 đô la Brunei cho một tiếng (nhưng sự thật chắc được 20 phút thôi). Lên đến thuyền còn bị “dụ dỗ” thêm việc đi xem khỉ trong rừng đước, thế là mất thêm 15 đô la Brunei nữa cho bác lái thuyền – đó là một người đàn ông không mấy thân thiện đối với tôi và cố gắng móc của chúng tôi càng nhiều tiền càng tốt. Tuy nhiên chúng tôi vẫn có một khoảng thời gian khá thú vị trên thuyền cùng với nhau và được tìm hiểu thêm được một nét đẹp rất đặc trưng khi đến với quốc gia hồi giáo Brunei – làng nổi Kampong Ayer.

Chuyển qua đi xem khỉ rồi

Nhưng chưa thấy khỉ

Hình như em ấy có phát hiện gì đó :))

A, khỉ :))

Và các hoạt động khác ở khu vực làng nổi Kampong Ayer

Kế bên làng nổi Kampong Ayer là một thánh đường hồi giáo nổi tiếng khác của Brunei đó là Sultan Omar Ali Saifuddin. Nổi tiếng vì là Thánh đường Hồi giáo đầu tiên của Brunei (được hoàn thành năm 1958), nằm ở ngay trung tâm thủ đô Brunei. Tên gọi nhà thờ này được đặt theo tên của vị vua thứ 28 của Brunei, là một hình mẫu của kiến trúc hồi giáo hiện đại. Kiến trúc của thánh đường có ảnh hưởng của cả hai phong cách Hồi giáo và người Ý. Thiết kế bởi một kiến trúc sư người Ý, thánh đường hồi giáo được xây dựng trên một đầm phá nhân tạo ở gần bờ sông Brunei. Thánh đường Hồi giáo Sultan Omar Ali Saiffuddin được xây dựng bao gồm đá cẩm thạch và vòm bằng vàng, sân vườn với nhiều vòi phun nước làm nổi bật công trình kiến trúc này. Xứng đáng là một trong những nhà thờ hồi giáo đẹp nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Con thuyền gắn liền với hình ảnh của Sultan Omar Ali Saiffuddin

Thêm một ngày nữa ở Brunei, khám phá làng nổi Kampong Ayer và các thánh đường tôi càng thích quốc gia hồi giáo này với những người bạn của mình, những điều tôi hoàn toàn không bao giờ nghĩ tới được trước khi đặt chân tới đây. Tôi chỉ dự trù 3 ngày ở đây, nhưng hôm nay đã là ngày thứ 4, và nếu không có chuyến bay từ Miri đến Kota Kinabalu vào 3 ngày tới thì tôi sẽ dành hết 14 ngày trong passport để dành cho Brunei rồi!

Những hình ảnh nhí nhố chiều hôm đó

Xuất hiện 2 con người luôn nghiêm túc 😀

Bill Balo
Bill Balohttps://billbalo.com
Mình là Bill, mọi người gọi mình là Bill Balo vì mình thích đi du lịch, và cụ thể hoá những chuyến đi du lịch thành các bài viết chia sẻ trải nghiệm trên trang blog này. Mình sống và làm việc ở Saigon, hân hạnh làm quen với tất cả mọi người.

2 COMMENTS

  1. Tuyệt quá em. Trải nghiệm mới, ảnh đẹp. Brunei là quốc gia ít người Việt ham mê du lịch bụi chọn khám phá, em còn trẻ mà đã đi được những nơi mới mẻ như thế này, rất đáng phát huy.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

- Bill Balo's Partner -spot_img
- Bill Balo's Partner -spot_img
- Bill Balo's Partner -spot_img
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments