Ảnh sưu tầm |
Như tôi đã từng viết trong Tết là tất cả tất tả về quê, “mùng 10 người ta vẫn coi là còn Tết”. Ngày xưa thuở còn “học sinh ngây thơ tà áo trắng”, bất kể mùng 6 hay mùng 9 đã phải “trở lại trường”, bọn quỷ ma chúng tôi đầu óc vẫn còn thơ thẫn những ngày Tết. Tết là không sách vở bài tập, Tết là được thức khuya dậy muộn, Tết là lười biếng thả giàng {hay là thả ga ấy}. Tôi đã viết về Tết về quê, Tết đốt pháo, có một chủ đề mà Tết Ta không thể không nói là Tết múa lân.
Nói về múa lân. Trước tiên tôi nhắc lại về tin “thời sự” dịp Tết năm nay là “Chinese New Year hay Lunar New Year”. Việc này phải nói rằng rất đáng quan tâm đối với những người Việt trẻ chúng ta. Nhưng hôm nay tuy viết về múa lân nhưng tôi sẽ tạm mặc kệ rằng truyền thống – gốc gác – xuất xứ – “Múa lân sư rồng nét văn hóa dân gian truyền thống” của Việt hay của Tàu. Tôi viết về múa lân trong tôi, gia đình tôi, quê hương tỉnh lị nơi tôi sinh ra.
Ảnh sưu tầm |
Tuổi thơ của tôi trải qua rất nhiều lần “kèn trống còng chiêng” của nào Lân, Rồng, Ông Địa nhưng tôi chưa bao giờ chán đến ngấy mấy cái “vị” Tết đó {giống như dưa kiệu và thịt kho riệu năm nào cũng ăn, ăn ngày nọ xọ qua ngày kia đến hết Tết đến “ớn rợn người” mà 365 ngày sau vẫn thòm thèm}, hôm nay cũng vậy. Gia đình tôi hằng năm Tết về, “truyền thống” ngày mùng một Tết là xem múa lân, đôi khi chỉ đơn giản là sáng ngày mùng một ông-bà-dì-dượng-cô-chú-thím-cậu-cháu thay phiên đốt nhang cho bàn thờ tổ tiên, rồi ngồi “xếp lớp” trên ghế dưới sàn cùng nhau xem trên tivi những video “giải vô địch thế giới lân sư rồng lần…”. Mặc kệ Ta-Tàu-Thế giới, quan trọng là khi nhào vô coi múa lân, năm nào cũng say mê hấp dẫn, lắm lúc tính “bỏ quên” luôn cả bữa ăn đầu năm mới.
Nói về múa lân. Thuở nhỏ xíu tôi rất hào hứng với múa lân trong các dịp lễ – tết {chỉ xếp sau “lì xì” một bậc}, lớn hơn khoảng 12, 14 thì chán dần vì thời ấy các đoàn lân “èo uột” và biến mất dần. Cho đến những năm gần đây, các đoàn lân sư rồng được luyện tập và trao dồi “tâm huyết” hơn hẳn trong suốt cả năm chỉ để đợi dịp Tết nguyên đán hằng năm.
Phải khen là những năm nay, truyền thống cội nguồn ngày càng được chú trọng hơn. Những đoàn lân sư rồng trong tỉnh, phường, địa phương có cơ hội “kiếm sống” nhiều hơn. Tràn vào những ngày “mùng” của Tết, các đoàn lân lớn nhỏ “lưu diễn” khắp nơi trong tỉnh – thị, mừng năm mới cho các gia đình khả giả và giàu có, nhưng “khá” nhất là từ các cửa hàng kinh doanh lớn – nhỏ “tùy tâm” để mừng khai trương. Nhớ mấy năm trước trước, Múa Lân chỉ được “đầu tư” theo kiểu: từ đâu có chiếc xe lôi {không phải xe ba gác, càng không phải xích lô}, chiếc xe lôi ấy có một chú hoặc bác đạp xe để “lôi” theo nheo nhóc 5, 7 đứa trẻ lớn lớn nhỏ nhỏ, với cơ man {thật ra mỗi thứ 1 cái} là trống kèn, đầu lân, đầu ông địa; chạy và đánh trống thổi kèn, nhà nào khá giả “vui tính” gọi vào múa may chúc tụng cho rộn ràng cái không khí Tết rồi dăm ba phong lì xì vài mươi nghìn đồng, chia ra mỗi đứa mua thêm được vài cây bút, quyển tập cho học kỳ 2 sau Tết.
Những đứa trẻ ngày xưa trong những bức ảnh đen trắng rồng rắn chạy theo đoàn Lân, cầm đuôi Lân, xoa đầu rờ bụng Ông Địa, những đứa trẻ mà hễ nghe tiếng trống thùng thình là bỏ cả cơm cuống cuồng chạy đi xem. Những đứa trẻ ấy, bây giờ biết đâu là một trong những “lão lân” hằng ngày thao luyện cho lớp trẻ tinh anh trót mê cái nghiệp “ông lân”. Và những đứa trẻ ngày nay, em tôi, cháu tôi, con nít xóm tôi, trẻ con quê tôi, ngày nay tuổi lên 7, lên 9 đã biết iphone, ipad khi nghe tiếng trống lân rộn ràng cũng ngơ ngác ùa ra thích thú xem say mê {dù vậy vẫn chẳng có nhiều phấn khích, thỏa thuê như bọn chúng tôi thời xưa nữa}. Quán cafe “xóm giềng” đang mở lại tắt đi tiếng nhạc xuân ngọt ngào của Thúy Nga hay Paris by night, các cô chú anh chị khoáy khoáy ly cafe mà cứ xem Múa Lân đến lúc cafe tan hết cả đá ra mà trong lòng vẫn còn thình thình tiếng trống, tiếng hô. Quán Net đang đông khách, đoàn Lân-Sư-Rồng về, các “gamer nhí” không tính tiền trả máy thì cũng bỏ quên luôn máy chạy ra cửa tò mò xem đoàn Múa Lân lần này “hoành tráng” ra sao. Đoàn Múa Lân, mặc dù hôm mùng 6 múa nhà bên nay, hôm nay múa nhà ngay bên cạnh đó, vẫn đoàn Lân đó mà vẫn lũ trẻ đó từ khắp phía ùa ra tụ lại, đứa ngồi xổm, đứa ngồi bẹp, đứa trèo cây, vẫn lại chăm chú xem Múa Lân.
Những đứa trẻ tràn ra từ khắp các xóm, hẻm. Trước đó tôi chẳng hề biết trẻ con trong xóm mình lại nhiều đến như vậy
Song Lân vào nhà bái lạy bàn thờ tổ tiên |
Lân “ăn lộc cầu tài ” cho gia chủ |
Trong màn trình diễn múa lân dân gian {tức không phải là Mai Hoa Thung hay Tứ Quý Phú Hưng Long =.=’ } , bao giờ cũng có Ông Địa, hiện thân của Đức Phật Di Lặc. Bởi thế mà hình tượng Ông Địa trong biểu diễn múa lân luôn phải pha trò cho người xem. Ngày xưa tôi cứ nghĩ Ông Địa sao chỉ cầm cái quạt phe phẩy qua lại để làm gì. Dần dần tôi nhận ra, trong múa múa lân dân gian, Ông Địa thường là những đứa trẻ {để trông cho tương phản với hình tượng con Lân to lớn}, Ông Địa nhí sẽ được độn cho to bụng, phe phẩy cái quạt đan {hay quạt mo các loại}, đội cái mũ bằng giấy bồi được sơn xanh đỏ {hay có khi chỉ là mặt nạ giấy bồi còn tóc thì cắt kiểu trái đào. Ông Địa nhí phải lanh lợi, lí lắc và nhanh trí, để làm đủ trò trêu chọc Lân, tạo tiếng cười và thích thú cho người xem. Ông Địa nhí phải hoạt náo, lúc trèo lưng Lân, lúc leo lên ghế, lúc nhảy lên bàn, trèo bám lên cả cây cột hướng dẫn giao thông =,=’ … để có những màn tung hứng trong biễu diễn múa lân cho bớt những nhàm chán, lặp đi lặp lại những kỹ nghệ còn “non nghề” của cả đội.
Lân đi trên quả cầu |
Một con Lân là hai đôi chân cùng “nhích nhích lăn lăn” trên quả cầu, khéo léo đi qua đi lại đến mấy vòng, trẻ con, người lớn đều hân hoan thán phục { tôi nhìn tư thế này, tự hỏi : không biết thăng bằng từ đâu mà ra =,= ???}
Trong trình diễn múa lân còn có Đánh Trống Hội. Đánh trống hội là phải đánh lên cái hội hè, đánh lên cái hào khí, đánh lên cái khí thế “Khai Lộc Đầu Xuân”.
Đánh trống hội là phải vui cười như thế này :)) Đánh trống hội là phải “hào sảng” như thế này :)) Con gái cũng đánh trống, con nít cũng đánh trống, …ông địa cũng đành trống luôn :)) Đánh trống từ trong nhà, ra ngoài thềm, ra cả ngoài đường lộ cũng đánh :))
Những tiếng trống đánh lên làm sống lại kí ức thời thơ ấu của những người lớn, người già và đánh “tạc” vào lòng những đứa trẻ của năm tháng đầu đời vừa mới hết sợ Lân, sợ ông Địa và sợ tiếng trống lớn giật thót tim. Từ đây, hồi ức thì sống lại và tuổi thơ cũng từ đây mà có…
“nựng” ông Lân Trống hội, trống đánh hội tụ
Trong đoàn Lân-Sư-Rồng của Trung tâm văn hóa tỉnh quê tôi, với các học viên của đội đến hơn 30 người từ lớn tới nhỏ, nam tới nữ, mỗi lần biểu diễn trung bình được gia chủ “lì xì” 1 triệu đồng. Vì là đội lân “nông thôn” nên phần “lì xì” chia ra mỗi lần cũng “nông nhàn” như thế. Tức là trong dịp lễ lớn nhất trong năm như thế này, trung bình mỗi học viên cứ 3 buổi biểu diễn sẽ được bồi dưỡng 100.000 VNĐ {1 ngày diễn hơn 3 lần đã gần đuối sức, đắt show ngày Tết có được hơn 5 lần một ngày cũng chắc gì dám nhận}. Học võ, rèn thể chất, tập kỹ năng, múa gậy {múa rồng}, đi cà kheo, tập thăng bằng, phối hợp trống hội, v.v… tất cả tranh thủ trong suốt cả năm chỉ để trình diễn trong 15 – 30 phút trong những ngày Tết như thế này. Những cái trống màu sơn đã sờn bạc. Những quả cầu cho Lân đi lớp màu mới quét lên lớp màu cũ trở nên ngày càng nhám sờn bệt bạc. Những bộ đồng phục không thể nào đồng màu đồng kiểu, cả những dòng chữ in tên cũng bong tróc chữ a, chữ n. Bộ “áo gấm” cùa Ông Địa thì “cha truyền con nối” đến tả tơi như bị Lân “cạp” Lân “cào” v.v…Vậy mà, tiếng trống hội vẫn vang, tiếng hô hào vẫn khí thế, Lân tung hoành oai vệ, Rồng uốn lượn uy phong…
Đoàn Lân – Sư – Rồng địa phương là múa cầu tài cầu lộc cho đời cũng chính là cho cơm áo gạo tiền của chính bản thân mình. Lân không cần ăn, Rồng không cần uống nhưng thanh niên phải đi làm kiếm sống, trẻ nhỏ phải đi học nên người. Đoàn Lân – Sư – Rồng địa phương là múa từ trước cửa rồi đi vào trong nhà, đầu Lân vướng cái bàn, mông Lân va phải cái tủ. Đoàn Lân – Sư – Rồng địa phương là trống hội có nhịp tùng – nhịp cắc “chỏi” nhau rầm rập cành cành. Đoàn Lân – Sư – Rồng địa phương là những người múa gậy giữ rồng tưởng như Rồng rối, Rồng lồng lộn, tưởng chừng đã bát nháo, bổ nhào vì đường chật, người đông, không gian nhỏ hẹp, v.v…Đoàn Lân – Sư – Rồng địa phương, là người lớn trẻ nhỏ hân hoan nhiệt liệt: có người Cha bồng bế con đi ra đầu ngõ cuối xóm hoan hỉ xem Ông Lân, Ông Địa; có người Ông bồng bế đứa cháu vừa hà vừa hê, vừa giải thích con Lân đang giơ chân, đang gãi đầu, ông địa đang quạt cho lân mát hay con rồng đang sắp bay lên trời; là những đứa trẻ ngây thơ, ánh mắt lóng lánh màu sắc phản chiếu từ đầu lân thân rồng, là tiếng cười khúc khích, cả tiếng khóc giật mình khi bị đầu Lân to dí lại sát gần…Tất cả, tất cả, là Tết múa lân, là cái đó của văn hóa, của truyền thống, của dân gian. Không biết Lân – Sư – Rồng từ đâu mà có nhưng tuổi thơ từ đó mà hiện lên…