Hey, bài trước mình đã gợi ý cho các bạn xin Visa Schengen nước nào dễ nhất rồi, bạn còn nhớ không? Nếu không nhớ thì hãy quay lại bài viết bằng link này và tìm hiểu thêm nha. Còn bài này mình sẽ tiếp tục hướng dẫn hồ sơ xin Visa Schengen và những điều cần lưu ý khi xin Visa Schengen.
Đọc thêm:
- Xin Visa Schengen nước nào dễ nhất – cách xin visa Schengen tự túc
- Những điều cần lưu ý khi phỏng vấn Visa Mỹ loại B1/B2
- Visa Mỹ loại B1, B2 là gì? Lưu ý khi xin Visa Mỹ dạng công tác hoặc du lịch
- Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ xin Visa Úc
Nộp hồ sơ xin Visa Schengen trước mấy tháng?
Mùa cao điểm du lịch châu Âu thường là mùa hè, vậy nên sẽ có rất nhiều người nộp hồ sơ xin Visa Schengen vào trước mùa cao điểm. Các tháng du lịch châu Âu cao điểm là Tháng 4 – 5 – 6 do thời gian này một số nước châu Âu thường tổ chức các triển lãm, hội chợ, liên hoan và các hoạt động xúc tiến thương mại, nên lượng người xin Visa Schengen tham dư các hoạt động trên nhằm mục đích tìm kiếm các sản phẩm mới, đối tác và khách hàng tiềm năng khá nhiều.
Đồng thời cũng có một số người tranh thủ nộp hồ sơ xin Visa Schengen cho dịp nghỉ hè, tuy nhiên việc tiếp nhận hồ sơ xin Visa Schengen là có giới hạn nên dẫn tới việc lịch hẹn nộp hồ sơ sẽ cách xa thời điểm hiện tại từ 1 đến 2 tháng. Chính vì việc này nhiều người không có sự chuẩn bị trước sẽ dẫn đến việc kế hoạch đi châu Âu bị trì hoãn hoặc trễ do không nộp được hồ sơ xin Visa Schengen, nên nếu có nhu cầu đi các nước châu Âu thì cần phải có sự chuẩn bị trước thời gian muốn đi khoảng 3 tháng.
Chuẩn bị hồ sơ xin Visa Schengen như thế nào?
Câu hỏi này là một câu hỏi khó trả lời, vì tuỳ vào mỗi nước mà bạn đi thì sẽ có những bộ hồ sơ phù hợp với từng quốc gia mà bạn dự định nộp hồ sơ xin Visa Schengen. Bây giờ mình sẽ lấy hồ sơ xin Visa Schengen vào Pháp làm ví dụ, các quốc gia còn lại, nếu bạn muốn chuẩn bị nộp hồ sơ xin Visa thì có thể liên lạc để lấy thông tin hồ sơ miễn phí từ VisaPM <– Đây là đường link dẫn tới trang nhắn tin cho VisaPM trực tiếp thông qua Facebook. Nếu không bạn có thể tham khảo trên Website của VisaPM.
I. Các văn bản không thể thiếu khi nộp hồ sơ xin Visa Schengen
1. Đơn xin thị thực (Visa application form): Các bạn vào web của trung tâm tiêp nhận hồ sơ Pháp điền form rồi in ra nhé. Các bạn điền thông tin rõ ràng, ghi ngày và ký tên.
2. Hình thẻ 3.5*4,5 cm: Nhớ phải chụp rõ khuôn mặt và cổ sao cho khuôn mặt chiếm 70 – 80% khung ảnh nhé. Các bạn nhớ lưu ý chụp cho đúng. Nếu sai thì sẽ bị yêu cầu chụp lại nhé.
3. Hộ Chiếu (Passport): Hộ chiếu không quá 10 năm so với ngày cấp, còn giá trị ít nhất 3 tháng sau ngày rời khỏi một quốc gia Schengen nào đó, và còn ít nhất 2 mặt trắng. Lưu ý nộp cả bản gốc và bản photocopy tất cả các trang thông tin và các trang có dấu (nếu có).
4. Sổ hộ khẩu: Nộp bản chính và bản photocopy.
5. Lệ phí nộp hồ sơ xin visa Schengen: Trả bằng tiền mặt bằng đồng VN tương đương với 60 Euros. Lệ phí hồ sơ không được hoàn lại trong trường hợp từ chối cấp thị thực.
6. Vé máy bay 2 chiều: Việt Nam – Pháp và Pháp – Việt Nam.
7. Lịch trình du lịch: Nếu các bạn đi du lịch tự túc các bạn cần phải lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi của mình. Những giấy tờ không thể thiếu là: booking khách sạn và lịch trình thật chi tiết các bạn dự định sẽ đi những đâu khi sang đó.
8. Giấy đăng ký kết hôn/ly hôn: nếu bạn nào đã có gia đình hoặc đã từng kết hôn thì cung cấp thêm mục này nhé.
II. Giấy tờ chứng minh mục đích chuyến đi.
Ở mục đích chuyến đi, mình sẽ hướng dẫn cho các bạn với mục đích chủ yếu là đi du lịch hay mục đích cá nhân heng. Đây là mục đích thường gặp nhất khi các bạn nộp hồ sơ xin Visa Schengen. Trong trường hợp quá cảnh, thị thực hoặc giấy phép nhập cảnh vào quốc gia nơi đổi máy bay. Vé máy bay tiếp theo cho chuyến đi.
9. Thư mời: Thư mời của một cá nhân trong trường hợp lưu trú tại nhà của cá nhân này.
10. Giấy xác nhận đăng kí: Giấy xác nhận đăng ký trong trường hợp tham gia du lịch theo nhóm (tour) hoặc một giấy tờ khác phù hợp có thông tin về chương trình du lịch dự kiến.
III. Giấy tờ chứng minh chỗ ở.
11-1. Giấy xác nhận đặt phòng: Giấy xác nhận đặt phòng trong suốt thời gian lưu trú trong khối Schengen, có ghi rõ ngày và thời gian lưu trú. Nộp đủ bản chính + bản sao.
11-2. Hoặc giấy bảo lãnh: Trong trường hợp lưu trú tại nhà một cá nhân – bản chính giấy bảo lãnh (Attestation D’accueil) (http://vosdroits.service-public.fr/F2191.xhtml) do Tòa thị chính nơi lưu trú cấp. Nộp bản chính + bản sao. Kèm theo giấy tờ tuỳ thân của họ.
IV. Giấy tờ chứng minh tài chính.
Lãnh sự quán muốn biết các bạn có khả năng chi trả cho chuyến đi của mình hay không, nên nếu các bạn có nguồn tài chính nào thì cứ cung cấp hết vào hồ sơ để cho họ xem xét. Càng rõ ràng và càng chi tiết thì càng dễ thuyết phục lãnh sự quán cấp visa cho các bạn nhé. Mình list ra một số thứ để các bạn tham khảo: sao kê tài khoản ngân hàng, xác nhận số dư tài khoản v.v…
12. Sao kê ngân hàng: Bản sao kê ngân hàng trong 3 tháng gần nhất (đây là tài khoản trả lương để chứng minh thu nhập từ lương hàng tháng của bạn), có xác nhận từ ngân hàng.
13. Chứng nhận số dư tài khoản, sổ tiết kiệm: Cái này bạn có sổ tiết kiệm từ 100 triệu trở lên là được rồi, quan trọng là đã gửi được từ 3 tháng trở lên. Tất nhiên là số dư tài khoản tiết kiệm càng nhiều càng tốt nha các bạn.
14. Phiếu lương: Phiếu lương 3 tháng gần nhất, xác nhận mức lương của người sử dụng lao động (bản chính + bản sao).
15. Giấy tờ chứng minh công việc: Tùy thuộc vào tình trạng công việc của các bạn là gì thì mình sẽ cung cấp hồ sơ cho phù hợp. Chủ doanh nghiệp thì cung cấp hồ sơ giấy phép kinh doanh công ty. Người đi làm thì cung cấp hồ sơ hợp đồng lao động. Cho dù là chủ hay là nhân viên thì các bạn cũng phải cho lãnh sự thấy được rằng các bạn có một nguồn thu nhập ổn định ở Việt Nam. Đây là cơ sở rất quan trọng để lãnh sự quán xét duyệt hồ sơ của các bạn đó.
V. Bảo hiểm du lịch.
16. Bảo hiểm du lịch: Bảo hiểm du lịch quốc tế, bảo đảm cho các chi phí nhập viện và vận chuyển về nước tại khu vực Schengen trong thời gian chuyến đi (bản chính + bản sao). Rất quan trọng khi các bạn đi nước ngoài đó. Lỡ có vấn đề gì thì bảo hiểm sẽ hỗ trợ cho mình. Tiết kiệm được rất nhiều chi phi khi có sự cố xảy ra. Đó là lý do tại sao Lãnh sự quán lại yêu cầu mình cung cấp khi nộp hồ sơ nha.
Đó, sơ sơ từng đó hồ sơ là đủ cho bộ hồ sơ xin Visa Schengen vào Pháp của bạn rồi đó.
Những điều cần lưu ý khi nộp hồ sơ xin Visa Schengen.
Nên đi đúng giờ khi đến nộp hồ sơ, nếu bạn đến trễ hơn 15 phút so với lịch hẹn sẽ không được vào nộp hồ sơ xin Visa Schengen. Lúc này có 2 phương án: một là ra về và đặt 1 lịch hẹn khác để nộp lại hồ sơ vào 1 ngày khác; hai là đóng 1 khoản tiền để có quyền ưu tiên vào nộp hồ sơ không cần lịch hẹn (1 số cơ quan tiếp nhận hồ sơ gọi là phí VIP). Cái này là mình đang viết về nộp hồ sơ xin Visa Schengen vào Pháp nha.
Trung tâm tiếp nhận hồ sơ là cơ quan đại diện được Lãnh sự ủy quyền để nhận hồ sơ của người xin visa, chỉ có chức năng tiếp nhận xem xét đủ hay thiếu hồ sơ, không có chức năng đánh giá hồ sơ, không ảnh hưởng đến quá trình xét hồ sơ và kết quả. Tại trung tâm tiếp nhận hồ sơ, sẽ có một số dịch vụ hỗ trợ như: Tin nhắn (SMS) nhận thông tin về hồ sơ, chuyển phát nhanh hồ sơ qua bưu điện, dịch vụ xét khẩn… Người xin visa có thể lựa chọn để sử dụng nếu thấy cần thiết…
Hồ chuẩn bị không đầy đủ và kĩ càng như ảnh chụp không đúng chuẩn, bản dịch không hợp lệ, thiếu giấy tờ chứng minh các mối quan hệ, giấy tờ chứng minh tài chính… thường mất nhiều thời gian khi nộp hoặc có thể bị yêu cầu bổ sung. Khi xảy ra các tình huống này thường sẽ tốn thêm nhiều chi phí để khắc phục như là in lại đơn khai, chụp lại ảnh, dịch thuật gấp hồ sơ, đóng phí nộp VIP hoặc đóng phí để bổ sung hồ sơ xin Visa Schengen.
Chúc các bạn thành công!