Nhật ký hành trình xuyên Việt bằng xe máy
Ngày 23: 2.5.2013
Hôm qua, chúng tôi rời Đà Nẵng để lên đường ra lại Huế. Cung đường lần này cũng hơi khác một tí, không đi thẳng vào Huế mà từ chân đèo Phước Tượng, chúng tôi rẽ vào tỉnh lộ 49B đi vòng theo phá Tam Giang để về đến thành phố. Phá Tam Giang từ lâu đã đi vào thơ ca với một nét rất thơ, còn tôi thì cảm nhận nó thật dữ dội và mênh mông quá. Có thể là do thời tiết, gió thổi mạnh từng đợt như muốn làm bay chúng tôi trên cây cầu bắc từ bờ bên này sang bờ bên kia. Lần đầu tiên tôi đi qua một cây cầu nhưng ở dưới là mùi mặn của nước biển, cảm giác giống như bạn đang bay giữa đại dương vô cùng rộng lớn. Đằng xa kia là một đám mây đen hình thành, gió càng ngày càng mạnh còn con đường chúng tôi đi thì càng ngày càng tối, 11h trưa mà trông chẳng khác gì 6h chiều. Chúng tôi đang lo về một cơn bão sẽ ập tới bất ngờ, nhưng không, qua kính chiếu hậu tôi nhìn đám mây đằng sau đen hơn và vần vũ hơn. À, thì ra mình đang chạy đua với cơn mưa và đang giành ưu thế dẫn đầu. Vượt qua một phần của phá Tam Giang chúng tôi vào thành phố Huế và có vẻ như vừa có một cơn mưa đi qua đây. Không khí thật sự mát mẻ đến se se lạnh, dễ chịu, Huế chào đón chúng tôi bằng những hàng bằng lăng rợp tím cả con đường. Chúng tôi chỉ có một buổi trưa lang thang ăn vặt ở Huế vì chiều lại tiếp tục mưa.
Có một chút thay đổi nhỏ, Angela không thể tiếp tục cuộc hành trình và chia tay chúng tôi tại đây. Cũng có hơi tiếc vì chúng tôi đã mất đi một người bạn đồng hành thú vị, chuyên nghiệp và luôn khiến tôi phải “thinking English” mỗi lần muốn giao tiếp. Nhưng điều này cũng đã được dự trù từ trước nên chúng tôi cũng không mấy khó khăn khi tiếp tục cuộc hành trình.
Sáng nay, sau khi chia tay Angela ở khách sạn mà cô ấy đã đặt trước khi còn ở Đà Nẵng, chúng tôi chạy thẳng về Đông Hà, trước đó cũng kịp ghé vào thánh địa La Vang – nơi mà đức mẹ hiện hình và thành cổ Quảng Trị.
Thánh địa La Vang ở Quảng Trị
Thành cổ Quảng Trị
Tới Đông Hà, trời bắt đầu mưa, chúng tôi vẫn theo kế hoạch từ trước, không chạy thẳng về Đồng Hới theo quốc lộ 1A mà rẽ vào đường 9 Nam Lào để tới Khe Sanh, mặc dù tôi có cảm tưởng rằng mình đang đi vào vùng mưa mà đúng là như vậy thật. Con đường rộng lớn, những cây cột điện cao thế bắt ngang qua, lần đầu tiên mà tôi có cảm giác sợ sấm sét đến như vậy. Choé lên một cái ở bên trái, rồi ngay trước mặt, rồi bên trái, rồi trước mặt, sấm sét liên tục xuất hiện như thế. Mặc dù đã có quần mưa, áo mưa, áo mưa cánh dơi và bộ đồ bên trong nhưng tôi vẫn có cảm giác đau như kim châm khi từng hột mưa rơi vào người. Nước mưa thì chắc chắn là không thể thấm vào người nhưng cảm giác vẫn rất lạnh, vậy mà mấy đứa nhóc đi học với cái áo mưa mỏng tang hay chỉ một cái dù trên đầu mà vẫn cười nói đùa giỡn bình thường và không chút vội vã. Hình ảnh đó hiện lên giữa rừng núi thật đẹp, mấy cái áo mưa đủ màu, những cây dù sặc sỡ như là những bông hoa tươi trên rừng núi vào một ngày âm u và lạnh lẽo.
Vượt qua hơn 80km đường 9 Nam Lào trong cơn mưa liên tục, chúng tôi tới DaKrong cùng với những hạt mưa lất phất. Cảnh rừng núi hiện lên như muốn chinh phục niềm khát khao trải nghiệm của chúng tôi. Những đám mây như nuốt chửng nửa ngọn núi, hay tạo thành những dãi trắng huyền ảo vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, từng lớp núi trập trùng hiện lên như thế theo dọc con đường lịch sử năm xưa.
Chúng tôi về tới Khe Sanh thì trời vừa nắng đẹp. Mol tranh thủ đi cửa khẩu Lao Bảo mua một ít đồ miễn thuế, còn tôi thì ở khách sạn nằm nghỉ, cũng là để hong cho ấm người và suy nghĩ chiều nay mình nên đi đâu. Làng Vây thì nghe hay đó, hồi đó cái làng đó bị bao vây nên người ta gọi là làng Vây, nhưng chắc cũng không có gì. Xa hơn một tí thì là cửa khẩu Lao Bảo, nếu tôi muốn đi thì cũng đã đi cùng Mol rồi. Vì thế mà tôi chọn một địa điểm gần hơn là di tích lịch sử sân bay Tà Cơn. Ở Quảng Trị hình như chỗ nào cũng là di tích lịch sử thì phải.
Ngày xưa, Mỹ xây dựng sân bay Tà Cơn để làm nơi cất cánh và hạ cánh cho các máy bay vận tải hạng nặng, chở quân và vũ trang, tiếp ứng cho lực lượng của Mỹ tại tuyến đầu của miền Nam Việt Nam. Chúng dùng máy bay trinh thám tìm và diệt bộ đội chủ lực của ta, tổ chức các hoạt động đánh phá và cắt đứt tuyến đường Hồ Chí Minh. Xây dựng hệ thống phòng thủ điện tử McManara dọc biên giới, những cảm biến nhiệt được gắn dọc các thân cây, chỉ cần bộ đội ta vượt qua là chúng sẽ biết ngay… Vì thế mà chúng ta đánh cứ điểm này của địch cũng vất vả lắm, vì nó vốn được Mỹ tự hào là hệ thống phòng thủ mạnh, liên hoàn và kiên cố nhất của Mỹ. Từng trang lịch sử hào hùng lại hiện lên, sân bay Tà Cơn bây giờ chỉ còn lại là những chiến tích chiến tranh với những mô hình tái hiện lịch sử nhưng trong cuộc sống hoà bình này, thì đây là một nơi để cho người dân Việt Nam luôn tự hào về sự dũng cảm và thông minh của những người lính cụ Hồ năm xưa.
Còn đây là hình kỷ niệm của một chú đi chung với mình trong chiều hôm đó tại sân bay Tà Cơn