34 C
Ho Chi Minh City
Monday, March 18, 2024
spot_img
HomeĐông Nam ÁThái LanChiang Mai – Thành phố thờ phật trong một cái ô vuông

Chiang Mai – Thành phố thờ phật trong một cái ô vuông

Sau 2 tiếng bay từ Việt Nam tới Bangkok và 10 tiếng đi xe bus từ Bangkok tôi đã tới được thành phố phía Bắc của Thái Lan – Chiang Mai. Xe bus ở Thái Lan khác hẳn các loại xe ở Việt Nam mà các bạn từng đi. Hệ thống toilet trên xe, ghế nằm thoải mái, phục vụ bánh ngọt để ăn nhẹ vào buổi tối, có café hoặc sữa vào mỗi buổi sáng khi bạn thức dậy mà chưa kịp đánh răng.

Có nhiều loại giá và phương tiện đến Chiang Mai từ Bangkok. Loại bus mà tôi đi là VIP bus có giá 565Bath/chiều (khoảng 400.000 vnđ). Tính ra cũng khá rẻ cho dịch vụ và chất lượng vận tải so với ở Việt Nam. Dịp tôi đi là mùa lễ hội nên không biết có tăng giá không, nhưng tôi nghe mấy người bạn Trung Quốc nói tới đây chỉ mất 380Bath/chiều với loại xe tương tự?

Đi Chiang Mai như thế nào?

Từ sân bay Don Mueang, các bạn đón bus A1 (dừng trước cổng sân bay) đi thẳng tới Mochit Bus Terminal (Đây là bến xe để mua vé đi Chiang Mai) mất 30Bath. Chuyến cuối cùng ở Mochit đi Chiang Mai là vào lúc 21h40 nhé.

Ở bến xe Chiang Mai, các tay lái tuk tuk có niềm kiêu hãnh riêng. Họ thoả thuận giá với bạn, bảo rằng không thể có giá rẻ hơn, và sau một hồi bạn không chịu, họ sẽ bỏ đi và không bao giờ muốn nói chuyện lần nữa với bạn. Cho dù bạn có đồng ý với cái giá trước đó mà họ đã đưa ra sau một hồi hội ý với nhau.

Kinh nghiệm của mình là tìm mấy anh chàng, cô nàng lớ ngớ, đi 1 mình, 2 mình rồi ghép đoàn chung vào để thuê một chiếc xe. Lúc đó giá sẽ rẻ hơn, tầm 40-50Bath/người (số lượng khoảng 4-5 người là có giá đó rồi). Xe sẽ chở bạn đến khách sạn mà bạn đã đặt trước ở trên mạng.

Sau một hồi bị hai tay tài xế giận thì tôi cũng thoả thuận được giá với một tài xế khác và bắt đầu đi vào thành phố. Trên chuyến xe có một cô gái người Mỹ gốc Trung (số 1) , một anh chàng New Zeland (Số 2) và một anh chàng Mỹ (Số 3). Tôi dường như tìm thấy được lí do để những đứa đi bụi như tôi có thể tự hào vì đang sống cuộc sống do chính mình tạo ra và xoay chuyển nó. (Số 1) đã đi làm được 4 năm và cảm thấy khó chịu khi cứ sống mãi cuộc sống nhàm chán ấy. Thế là cô ấy dành hết số tiền làm việc của mình để đi du lịch khắp thế giới. (Số 2) có khuôn mặt rất ấn tượng và hài hước, anh ấy nói sẽ dành 2 năm để đi du lịch. Anh ấy đã có 2 tuần ở Việt Nam và bây giờ là Thái Lan, sau đó là đi đâu nữa thì tôi không nhớ hết. (Số 3) tôi không có ấn tượng lắm nhưng nghe (Số 2) nói lại là (Số 3) đi học ở Thái Lan. Tôi thấy rằng người ta đến với nhau từ nhiều con đường và xuất phát điểm cũng khác nhau, hãy sống trong thế giới mà bạn tạo ra chứ đừng để lạc lõng trong thế giới mà bạn phải cố bám lấy nó.

Buổi sáng đầu tiên ở Chiang Mai
Ô vuông ngay ngắn ở Chiang Mai – hình ảnh được chụp từ Google Map

Sau khi nhận phòng và nghỉ ngơi chúng tôi bắt đầu nhìn bản đồ và khoanh vùng những nơi cần đi. Thật kì lại, trung tâm Chiang Mai được gói gọn trong một ô vuông ngay ngắn và được bao quanh bởi hào nước khép kín, rồi đổ ra sông Ping. Xung quanh ô vuông này còn có 5 cổng thành là tàn tích của đất nước cổ xưa của người Lana. Sau bữa ăn sáng, chúng tôi bắt đầu đi bộ qua một khu chợ để tiến vào bên trong thành phố. Vì là vào dịp lễ Loy Krathong (Cái này Bill sẽ kể sau) nên lồng đèn có mặt ở khắp mọi nơi trên đường phố và tất nhiên là được bày bán cả trong chợ. Ở Chiang Mai chùa nhiều kinh khủng, trong cái ô vuông nhỏ nhắn này cứ vài 3 căn nhà là có một ngôi chùa, chùa ở ngoài đường, chùa ở trong hẻm, nhắm mắt lại đi vài bước rồi mở mắt ra là thấy một ngôi chùa khác. Điểm đến đầu tiên là Wat Chedi Luang.

Đi bộ qua khu chợ để tiến vào thành phố
Lồng đèn được bán rất nhiều và đa dạng
  • Wat Chedi Luang

Chùa Chedi Luang là một trong bốn ngôi chùa cổ ở Chiang Mai. Hồi xa xưa, khi khởi tạo ngôi chùa này cao 80m và rộng 45m. Nhưng rất tiếc, nó đã bị phá huỷ trong một trận động đất năm 1545, dưới triều của hoàng hậu Mahadevi. Ngôi chùa hiện giờ chúng ta chiêm ngưỡng là những gì còn sót lại một thời của Wat Chedi Luang năm 1475, và những vẻ đẹp mới mà nhân dân Thái Lan đã cất công trùng tu và xây dựng chùa với mô típ công và rắn nước trang trí tại các sảnh thờ.

Tàn tích sau trận động đất năm xưa
Mô típ công và rắn nước được trang trí trước đền thờ 

Ở Wat Chedi Luang có 2 cây gôm to, một cây ở bên trái cổng vào, cây còn lại ở sau ngôi chùa bị phá huỷ bởi động đất. Chiang Mai hồi xưa là cố đô của vương quốc Lana, truyền thuyết kể rằng nếu cây đổ, ắt hẳn có một thảm hoạ khủng khiếp sẽ đến với người dân Lanna. Ngay cạnh cây gôm này là ngôi nhà nhỏ của thần gác cổng của thành phố Prueksa Thevada, vị thần thông thái, nhà hiền triết của xứ Lana.

Cây gôm sừng sững tại Chedi Luang

Một điều kì lạ là ngôi chùa này còn lưu giữ xác của 3 vị sư đã tu đắc đạo tại ngôi chùa. Điều đặc biệt là các vị sư này đều ngồi trong tư thế thiền, da dẻ vẫn hồng hào, đôi mắt tinh anh như người còn sống, và các thớ thịt (kẽ các ngón tay và ngón chân) thì liền thành một mối. Thế mới biết cuộc sống có nhiều điều thật bí ẩn mà con người chúng ta chưa thể lý giải hết được.

 IMG_3019 copy

IMG_3025 copy

Ngôi chùa tiếp theo mà chúng tôi tới đó là Wat Phantao

  • Wat Phantao 

Nếu như những kiến trúc chùa chiền ở Thái Lan nói chung và Chiang Mai nói riêng đều có điểm chung thì Wat Phantao là một cá thể riêng nhất. Bởi nó làm từ gỗ, kể cả những toà tháp, chùa được xây dựng bằng gỗ tếch – là một loại gỗ rất quý hiếm ở Thái Lan. Bước vào bên trong ngôi chùa, dường như mọi cái nắng nóng gay gắt ở Chiang Mai lúc bấy giờ dường như đều tan biến, mùi gỗ quyện trong hương nhang tạo nên một cái dư vị làm con người ta cảm thấy bình yên và cao sang đến lạ thường.

 

Đang dong duổi trên con đường đầy nắng thì chúng tôi bắt gặp quảng trường ba vua. Đây cũng là trung tâm của thành phố mà tôi đoán là tâm điểm của hình vuông thành phố.  Thật ra cái quảng trường này chán ngắt nên chúng tôi cũng chỉ đi lướt qua. Nếu muốn xài tiền các bạn có thể bỏ ra 90Bath/người để thăm quan bảo tàng gì đó, 2 bên quảng trường là 2 cái bảo tàng khác nhau. Tôi chọn cách là đi tiếp tới ngôi chùa thứ 3 là Wat Chiang Mai

  • Wat Chiang Mai

Đây là ngôi chùa lâu đời nhất tại Chiang Mai, được xây vào khoảng thế kỷ 13. Nó thậm chí còn nhiều tuổi hơn cả thành phố này. Ngôi chùa này có 2 bức tượng phật rất nổi tiếng đó là tượng Phật phale và tượng Phật bằng đá chạm khắc tại Ấn Độ.

Truyền thuyết cho rằng thành phố nào sỡ hữu cả hai tượng Phật trên sẽ trở nên thịnh vượng. Tuy nhiên để lời cầu ước trở lên linh nghiệm thì thành phố phải có tượng Phật Phra Sigh. Các tượng Phật này được tin là có khả năng đáp ứng lời cầu mưa của người dân.

Vẻ đẹp của ngôi chùa còn được khắc họa ở hình ảnh 15 con voi quay về các hướng, ở tượng Phật đứng cao tuổi nhất vương quốc Lana (542 năm) và ở bản khắc đá gần cửa phòng lễ thụ chức. Bản khắc đá kể về lịch sử của thành phố, về đế chế Lana và những người có công đóng góp cho ngôi chùa.

Trời đã về chiều, còn một ngôi chùa nữa mà tôi cần phải đi đó là Wat Phrasingh. Ngôi chùa lớn nhất ở Chiang Mai này

  • Wat Phrasingh

Chùa có một kho kinh thánh rất độc đáo. Các kho trong chùa là nơi lưu giữ, bảo vệ các bản kinh thánh viết trên lá cọ, hay các bản giấy tơ tằm mỏng manh, được các nhà sư sử dụng để ghi và sao chép về văn hoá dân gian. Thành đá của các kho này được trát một lớp vữa dày để bảo vệ các bản kinh khỏi mưa gió và các sinh vật phá hoại.

Kho kinh thư

 Các bức tường của nhà nguyện được chạm khắc hình ảnh phong tục, cuộc sống thường nhật và trang phục của người dân Lanna. Đặc biệt ở đây có rất nhiều các vị thiền sư đã tu đắc đạo giống như ở Wat Chedi Luang.

 IMG_3165 copy

Du khách cũng có thể đăng ký các khoá học ngắn ngày về Đạo Phật tại đây. Trong đó, hàng ngày khách du lịch sẽ tham gia các bài luyện tập, các bài thiền, và ăn ngủ sinh hoạt như những nhà sư. Tôi thì không có thời gian nên không thể làm được điều này.

Bill Balo
Bill Balohttps://billbalo.com
Mình là Bill, mọi người gọi mình là Bill Balo vì mình thích đi du lịch, và cụ thể hoá những chuyến đi du lịch thành các bài viết chia sẻ trải nghiệm trên trang blog này. Mình sống và làm việc ở Saigon, hân hạnh làm quen với tất cả mọi người.

1 COMMENT

  1. Từ “kinh thánh” chỉ dùng cho bên đạo Công giáo,không dùng chỉ kinh văn bên Phật giáo.
    Chùa này thường gọi là Chiang Man (wat Chiang Man)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

- Bill Balo's Partner -spot_img
- Bill Balo's Partner -spot_img
- Bill Balo's Partner -spot_img
- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments